Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ đầu cung và sức cầu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Mỗi nhiệm kỳ của một bộ trưởng gắn với một vài dấu ấn và đó chính là ấn tượng sâu đậm để người dân nhớ đến chính khách ấy. Năm 2012, dấu ấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gắn với nỗ lực thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của thị trường bất động sản (BĐS) đối với nền kinh tế và khởi động lại chính sách nhà ở cho toàn dân, đưa giấc mơ “an cư” của nhiều gia đình dần trở thành hiện thực. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Đầu tư Bất động sản giữa bộn bề công việc những ngày cuối năm.

Bộ Xây dựng có thống kê như thế nào về tình hình hình sức khỏe các DN trong ngành xây dựng sau 1 năm khó khăn như 2012, thưa Bộ trưởng?

Năm 2012, tổng giá trị sản xuất xây dựng cả nước (theo giá thực tế) ước đạt khoảng 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011; giá trị tăng thêm là 179.301 tỷ đồng, đóng góp 6,1% GDP cả nước (năm 2010 là 7,03% và năm 2011 là 6,41%). Tuy nhiên, các DN rất gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư phát triển giảm mạnh, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, hàng tồn kho cao, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản gia tăng... Theo thống kê đến 31/12/2012, tổng số DN ngành xây dựng đang hoạt động là 52.746 DN, trong đó 42.197 DN kinh doanh có lãi, 15.296 DN kinh doanh thua lỗ, 2.637 DN dừng hoạt động hoặc giải thể...

Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá toàn diện các nguyên nhân, thay đổi căn bản về cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với mục tiêu tạo ra những đột phá trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, hỗ trợ thị trường trong giai đoạn trước mắt, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển trung dài hạn.

Trước khi những chính sách mới được thực thi, một số ý kiến vẫn cho rằng, hỗ trợ thị trường thực ra vì lợi ích của một số nhóm DN lớn, ngân hàng lớn. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Không đúng như vậy. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ đầu cung - phía DN và sức cầu - phía người mua, trong đó chủ yếu tập trung hỗ trợ cho người mua nhà. Đặc biệt, quan điểm của Bộ Xây dựng là việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng có thu nhập thấp được vay tín dụng với lãi suất thấp, thời gian vay dài để mua, thuê mua nhà ở, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở (nhà 167, nhà ở lũ lụt miền Trung, nhà ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long...). Đây thực chất là gói kích cầu gián tiếp của Chính phủ, bởi nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN... Khi thị trường BĐS phát triển ổn định sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất ở các ngành kinh tế và mọi người dân đều được hưởng lợi.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, với các giải pháp gỡ khó cho thị trường được thực thi ngay từ đầu năm 2013, thị trường và DN BĐS sẽ có chuyển biến như thế nào?

Thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường là yêu cầu cấp bách, góp phần thúc đẩy sản xuất, xử lý nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Ngày 7/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, trong đó có thị trường BĐS, với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai ngay trong những ngày đầu năm 2013. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là việc lớn và khó, cần phải có thời gian. Với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng, nỗ lực tự điều chỉnh của các DN, khi lãi suất tín dụng giảm đến mức hợp lý, cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế..., thị trường BĐS năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau.

Bộ trưởng là người tâm huyết và ngay từ đầu có quan điểm rất đúng đắn về việc thị trường BĐS cần có những sản phẩm phù hợp nhu cầu đại đa số người dân, các chương trình nhà ở xã hội… Song dường như mãi tới tận cuối năm 2012, quan điểm này mới được nhiều DN nhìn nhận và thực hiện. Theo Bộ trưởng, có thể hình dung về bức tranh thị trường như thế nào trong 2-3 năm tới?

Một trong những nguyên nhân gây trầm lắng thị trường là do cơ cấu hàng hoá BĐS, nhất là sản phẩm nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu hàng hoá có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân.

Trước tình hình đó, năm 2012 là năm Bộ tập trung rà soát, đánh giá toàn diện các nguyên nhân, đặc biệt là việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và tập trung xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Năm 2013 sẽ là năm quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường, tập trung khắc phục sự lệch pha cung cầu nhà ở, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội... Thị trường BĐS trong 2-3 năm tới sẽ hướng vào người có nhu cầu thực, đặc biệt các sản phẩm nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh, từng bước cải thiện nhà ở cho người dân.

Là người đứng đầu một Bộ chịu trách nhiệm về lĩnh vực khó khăn nhất của nền kinh tế năm 2012. Bộ trưởng có thể chia sẻ những áp lực lớn nhất đối với mình và ông đã phải lựa chọn ra sao để vì lợi ích của ngành và cả nền kinh tế?

Đúng là có rất nhiều áp lực đặt ra từ xã hội, từ người dân khi nhìn nhận, đánh giá về thị trường BĐS, do đây là thị trường mới phát triển ở nước ta, cơ chế hoạt động rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vấn đề thứ hai rất quan trọng là những nghi ngại của dư luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thực chất là vì cái chung, vì người dân, hay chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích của một bộ phận DN... Vì vậy, để có sự đồng thuận, cần phải tranh luận, trao đổi, phân tích để đi đến nhận thức thống nhất. Khi đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, phải lấy mục tiêu tháo gỡ khó khăn chung cho nền kinh tế làm trọng, đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân.

Từ đó, Bộ đã tập trung đánh giá thị trường, phân tích toàn diện các nguyên nhân, đề ra các giải pháp trên quan điểm là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia. Đây là việc làm vừa đạt mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, vừa thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Các giải pháp này đã được đưa vào Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ để thực hiện ngay từ đầu năm 2013.

Khi còn là người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng đã có những quyết sách để địa phương này trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư. Trên cương vị mới tại Bộ Xây dựng, theo Bộ trưởng, cần có chính sách gì để khuyến khích và thu hút vốn cho lĩnh vực BĐS, tạo động lực kéo nền kinh tế thoát khỏi trì trệ?

Lĩnh vực BĐS có phạm vi rất rộng, bao gồm đất đai, toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông, công nghiệp, nhà ở, các công trình thương mại - dịch vụ... Đây là lĩnh vực giữ vai trò xương sống của nền kinh tế, quyết định sự phát triển đất nước và chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, để khuyến khích, thu hút được các nguồn lực đầu tư cho BĐS, trước hết, cần phải tập trung cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng phát triển thiếu quy hoạch và kế hoạch.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp; đảm bảo tính liên kết đồng bộ giữa các quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hàng năm và dài hạn phù hợp yêu cầu phát triển, chủ động được quỹ đất để đầu tư.

Đồng thời, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước; tập trung cải cách hành chính, khắc phục và tháo gỡ các rào cản, nút thắt cản trở môi trường đầu tư.

Để làm được điều này, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và kinh doanh BĐS, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, công khai, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh BĐS.

Thủy Nguyễn - Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.