Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản chính thức được bơm ra thị trường từ ngày 1-6 tới, được cơ quan quản lý kỳ vọng là cú huých phá băng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ hoài nghi.

Ông Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công thương

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ mang đến tác dụng ban đầu với thị trường, nhất là với BĐS nhà ở xã hội, kích hoạt thị trường trong ngắn hạn. Không những tác động tới bất động sản mà các ngành khác như xi măng, sắt thép. Do BĐS có ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng kinh tế và toàn bộ nền kinh tế, hệ thống tài chính nhất là tài chính ngân hàng, hỗ trợ thị trường này hồi phục là cần thiết.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu từ tháng 1. Sau đó, NHNN và Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp ra dự thảo thông tư từ tháng 3 và đến tận 1-6, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện nghị quyết mới chính thức có hiệu lực. Tức là khoảng cách từ lời nói đến văn bản thực thi mất 5 tháng. Vì vậy, muốn đẩy nhanh và phát huy hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để cứu thị trường bất động sản, 5 NHTM nên bắt tay vào việc cho vay luôn. Hiện nay nhu cầu vay mua nhà là rất lớn, đây cũng là cơ hội để kích thích niềm tin từ phía người dân.
Chuyên gia kinh tế Bùi KiếnThành
Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 1-6 của NHNN có nhiều điểm mới so với Dự thảo Thông tư đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, đối tượng cho vay vốn hỗ trợ được mở rộng hơn, bao gồm: Các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm bất hợp lý, "đầu voi đuôi chuột" không đem lại kết quả như mong muốn của toàn xã hội đối với thị trường BĐS hiện nay.
30% trong tổng số 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay làm dự án nhà ở xã hội thì sẽ có bao nhiêu căn nhà được xây dựng, liệu có đủ cho 1doanh nghiệp hay 10 doanh nghiệp vay hay không? Liệu có bao nhiêu căn nhà xã hội được xây dựng trong khi nhu cầu của người dân về nhà ở đang vào khoảng hàng triệu căn. Đồng thời quy định thời hạn người mua được phép vay tối thiểu là 10 năm cũng là điểm bất hợp lý nghiêm trọng trong thông tư này, khiến cho lợi ích của người mua nhà không được bảo vệ một cách thỏa đáng. Tại sao lại bắt buộc họ phải vay trong 10 năm, nếu họ có nhu cầu trả trước thời hạn?". " Nếu vì những quy định bất lợi như vậy, biết đâu người dân không mặn mà mua nhà thì tác dụng của chính sách sẽ đi đến đâu?". Rõ ràng giữa lượng tiền đưa ra và mục tiêu xã hội của chính sách này đang có vấn đề, nhất là trong tất cả các quy định cụ thể của Thông tư như: thời hạn, lãi suất, đối tượng.
Theo Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15-5-2013 do Bộ Xây dựng ký ban hành hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, người lao động tự do, người đăng ký hộ khẩu tạm trú có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên. cũng sẽ được vay vốn mua nhà.
Các đối tượng này phải đủ các tiêu chuẩn: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội. Cụ thể hơn là có nhà ở là căn hộ chung cư nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người. Có nhà ở riêng lẻ nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên. Để vay vốn, các đối tượng phải có xác nhận của cơ quan nơi công tác, xã, phường có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Thúy Hằng (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.