Theo quy định của UBND TP Hà Nội, nhà ở xã hội được ưu tiên cho thuê, bán theo hình thức thuê mua đối với đối tượng là cán bộ, công chức nhà nước - những người có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Tuy nhiên, tại khu nhà ở xã hội Việt Hưng (thuộc quận Long Biên), không ít căn hộ đã bị sử dụng sai mục đích.

Khu nhà ở xã hội Việt Hưng - quận Long Biên dành cho cán bộ CNVC Nhà nước
có nhu cầu khó khăn về chỗ ở

Nhà xã hội để nuôi chó, nuôi trăn

Ông Phạm Thanh B, sống tại khu CT19A cho biết, trong lúc nhiều cán bộ, công chức nhà nước tại Hà Nội gặp khó khăn về nhà ở thì một số căn hộ lại được những người có tiêu chuẩn cho người khác ở nhờ hoặc thuê lại, gây ảnh hưởng đến ANTT và vệ sinh môi trường khu dân cư. Cũng theo ông B: “Cách đây chưa lâu, một số hộ đã cho người khác thuê lại để làm nơi nuôi chó, thậm chí nuôi trăn. Nhiều hôm, họ dẫn những con chó to đi dạo trong khu sinh hoạt chung của người dân, khiến người già và trẻ nhỏ chỉ sợ chó cắn, gây bất an cho các hộ dân đang sinh sống tại đây…”, ông B bức xúc.

Có mặt tại khu nhà ở xã hội Việt Hưng sáng 9-10, chúng tôi được 2 nhân viên bảo vệ trông giữ xe của khu nhà hỏi: “Các chị có nhu cầu thuê nhà à? Khi chúng tôi gật đầu, nhân viên này nhanh nhảu tiếp thị: “Ở đây có rất nhiều căn hộ cho thuê. Giá cả phụ thuộc vào diện tích mỗi căn hộ. Nếu chị muốn thuê căn hộ 52m2, giá là 3 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, anh nhân viên bảo vệ này không quên nói nhỏ, việc thuê nhà chỉ dựa trên thỏa thuận miệng, người đến thuê phải nhận là mình đi ở nhờ chứ không được nói là người thuê nhà ?!

Lỗi thuộc về đơn vị cho thuê ?

Ngày 13-9-2010, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định 45 về việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là hộ gia đình có ít nhất một người hoặc cá nhân (đối với trường hợp là hộ độc thân) là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan, đối tượng đã trả lại nhà công vụ thuộc thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các đối tượng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: chưa có sở hữu nhà ở và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng có diện tích ở bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng dột nát; chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội…

Cũng theo quy định này, nhà ở xã hội không được cho thuê, cho thuê lại, thế chấp hoặc chuyển nhượng trong thời hạn chưa trả hết tiền mua nhà; chỉ được phép bán, cho thuê, cho thuê mua sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư, nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu 10 năm kể từ khi mua nhà. Quy định này cũng cấm nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác và khu vực công cộng trong khu nhà xã hội. Các trường hợp không còn nhu cầu hoặc vi phạm hợp đồng, tự ý bán nhà ở xã hội hoặc chuyển quyền được thuê nhà cho người khác sẽ bị thu hồi nhà...

Về vấn đề sử dụng nhà ở xã hội sai mục đích tại khu đô thị Việt Hưng, ông Hoàng Anh - Giám đốc Xí nghiệp quản lý khu nhà ở xã hội Việt Hưng (thuộc Công ty CP xây dựng phát triển công trình hạ tầng) - đơn vị quản lý trực tiếp tòa nhà thừa nhận, trách nhiệm chính của Xí nghiệp là quản lý, vận hành đảm bảo ANTT, VSMT tại khu vực. Bên cạnh đó, Xí nghiệp còn phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, vận hành một số hạng mục của khu nhà, còn việc quản lý nhân khẩu thuộc trách nhiệm của BQL Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư. Trước đó, Xí nghiệp đã rà soát, lên danh sách để làm rõ mối quan hệ giữa các cá nhân đang ở trong căn hộ với chủ căn hộ và có danh sách gửi lên BQL dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư để cơ quan này có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn chưa có biến chuyển đáng kể.

Việc nhà ở xã hội bị sử dụng không đúng mục đích không chỉ làm ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương này mà còn khiến những người có nhu cầu thực sự về nhà ở bị mất đi cơ hội có chỗ ở ổn định. Đề nghị các ban ngành liên quan sớm có giải pháp kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

  • Vô tư cho thuê lại nhà ở xã hội

    Vô tư cho thuê lại nhà ở xã hội

    Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng ngân sách xây dựng 515 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) để cho cán bộ, công chức thuê dài hạn với nhiều ưu đãi. Thế nhưng, nhiều căn hộ đang được cho mượn, cho thuê lại…

Theo Bảo Linh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.