Giải pháp cho người dân vay vốn trực tiếp để mua nhà, thuê nhà với lãi suất ưu đãi đã được đề cập tại buổi tọa đàm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) tổ chức sáng 5.9, về tình hình khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp (DN) trong các ngành công nghiệp và xây dựng.

Báo cáo tổng hợp về tình hình khó khăn và kiến nghị của DN trong các ngành xây dựng, công nghiệp từ đầu năm 2012 đến nay, UBKTQH cho biết, trong lĩnh vực xây dựng, các DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Khó khăn này thể hiện rõ qua việc các DN trong Tổng công ty thép chỉ duy trì công suất khoảng 40 - 45%, thậm chí chỉ 30%. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với các DN ngành xi măng. Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đến hết tháng 6.2012, xi măng tồn kho gần 3 triệu tấn, tại các nhà máy tồn kho khoảng 50 triệu m2 gạch ốp lát quy chuẩn, khoảng 50 triệu m2 kính xây dựng và đã có 40 dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng các loại phải ngưng sản xuất từ 1 - 2 tháng.

UBKTQH dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, 6 tháng đầu năm thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp khó khăn, số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch.

Tại Hà Nội, giao dịch thành công rất ít, chủ yếu tại những dự án đã hoặc sắp hoàn thành; khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, các gia đình trẻ mua căn hộ chung cư đã hoàn thành có diện tích từ 60 - 100m2 với giá từ 1,5 - 2,5 tỉ đồng.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường BĐS vẫn sẽ tiếp tục khó khăn, chưa thể sôi động ngay được.

Theo kiến nghị của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, để giải cứu thị trường BĐS, cần thay đổi chính sách bằng cách, nếu trước đây thường tập trung dồn vốn cho các chủ đầu tư dự án và những người kinh doanh BĐS thì nay cần chuyển sang hình thức cho vay trực tiếp với đối tượng cần mua nhà, thuê nhà với lãi suất ưu đãi.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế chuyển sang hình thức xây nhà cho thuê để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước lẫn người dân.

Ngoài ra, với các dự án trung bình đã hoặc sắp hoàn thành mà không bán được, Nhà nước có thể mua để bố trí quỹ nhà tái định cư vốn đang rất thiếu hiện nay, thông qua hình thức đấu giá, có sự định giá phù hợp với thị trường hiện tại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, Nhà nước nên có chính sách khoanh nợ, mua lại nợ đối với các dự án cũ theo thực giá, tiếp tục cho vay đối với các dự án mới có diện tích, giá thành phù hợp, tính khả thi cao với nhu cầu của đại đa số người dân. Cách làm này sẽ giúp tiêu thụ được sản phẩm của nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Bộ Xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp

Trong báo cáo gửi tới UBKTQH, Bộ Xây dựng kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xây dựng như tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ đối với các DN sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng; tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục cho vay giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị giảm 50% thuế GTGT đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2) và mua lần đầu để ở.

Theo Bảo Cầm (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.