Chính quyền bỏ ra gần 100 tỉ đồng giải cứu doanh nghiệp xây dựng chung cư diện nhà ở xã hội, tiền ngân sách TP đã rót đủ nhưng doanh nghiệp lại kéo rê ...

Điều vô lý là tiền ngân sách TP đưa đủ 100% cho doanh nghiệp nhưng họ lại kéo rê không chịu xây dựng, bàn giao nhà. Trong ảnh: tòa nhà đang xây dựng của Vicoland - Ảnh: Việt Hùng

Năm 2012 đến nay, chính quyền TP Đà Nẵng đã bỏ ra gần 100 tỉ đồng giải cứu hai doanh nghiệp xây dựng chung cư diện nhà ở xã hội để nhanh chóng hoàn thành chung cư bán cho cán bộ, công chức, viên chức... Tuy nhiên tiền ngân sách TP đã rót đủ nhưng doanh nghiệp lại kéo rê chưa chịu xây dựng, bàn giao nhà.

Hai doanh nghiệp được TP Đà Nẵng ưu ái là Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland và liên doanh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 579 - Công ty cổ phần Đức Mạnh.

Khó khăn về vốn?

Năm 2012, chung cư nhà ở xã hội cuối tuyến Bạch Đằng Đông do Vicoland làm chủ đầu tư trễ nải, xây dựng nhiều năm không hoàn thành do thiếu vốn, không có nhà để bán.

Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng mua lại của Vicoland 100 căn hộ tại các khối nhà A2 (29 căn), A3 (44 căn) và A5 (27 căn) để bán cho cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Sau đó, Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng đã trả đủ cho Vicoland hết số tiền mua 100 căn hộ với giá gần 5,25 triệu đồng/m2. Những tưởng việc “bơm vốn” ngân sách kịp thời của TP Đà Nẵng sẽ khiến tiến độ xây dựng chung cư nhanh hơn, nhưng đến năm 2014 chỉ có 73 căn khối nhà A2, A3 hoàn thành và bán cho các đối tượng với giá bình quân 5 triệu đồng/m2. Còn 27 căn tại khu nhà A5 chủ đầu tư vẫn thi công ì ạch, hiện công trình đang xây dựng dang dở.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ vì sao nhận được tiền từ lâu nhưng không chịu xây dựng để bàn giao nhà, ông Hồ Kỷ, giám đốc Vicoland Đà Nẵng, cho biết do công ty gặp khó khăn về tài chính nên không thể thi công đảm bảo tiến độ.

“Từ năm 2012, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên chúng tôi không thể triển khai dự án đúng như dự kiến đã cam kết. Vì vậy lúc đó để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, TP Đà Nẵng đã bỏ tiền mua lại của chúng tôi 100 căn hộ” - ông Kỷ nói.

Tương tự, năm 2009 liên doanh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 579 và Công ty cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư khởi công dự án nhà ở xã hội Blue House gồm ba dãy nhà A, B, C cao chín tầng với 725 căn hộ, diện tích 53,4 m2/căn.

Đến năm 2013, chỉ có dãy nhà B hoàn thành và bán cho các đối tượng với giá khoảng 5,6 triệu đồng/m2.

Đến năm 2014, nóng ruột với tình trạng quá chậm chạp các khu chung cư của chủ đầu tư, UBND TP Đà Nẵng lần nữa bỏ tiền ngân sách “giải cứu” doanh nghiệp khi chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển TP ký hợp đồng mua lại một khối nhà với 230 căn hộ Blue House.

Theo Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng, giá mua căn hộ chung cư là 6,2 - 6,3 triệu đồng/m2, trả cho liên doanh chủ đầu tư theo tiến độ và hiện TP đã trả 80 - 85% tổng số tiền mua căn hộ. Thế nhưng khu chung cư này hiện chỉ mới đang hoàn thiện, chưa thể bàn giao cho TP.

Chỉ tạo điều kiện...

Ông Đoàn Ngọc Vui, phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng, nói: “Qua tìm hiểu thì Vicoland thiếu tiền trả cho bên thi công nên dự án dừng lại, quỹ đã trả tiền hết rồi nhưng họ chưa chịu bàn giao nhà.Chỉ tạo điều kiện...

Vừa rồi TP đốc thúc quyết liệt, theo cam kết thì tháng 8-2015 chủ đầu tư làm hoàn thiện, bàn giao nhà. Thế nhưng vừa rồi chủ đầu tư nói nguyên nhân khách quan, chủ quan gì đó nên lùi tiến độ bàn giao nhà 
đến tháng 12-2015”.

Khi được hỏi quỹ có chức năng kinh doanh bất động sản hay không, ông Vui cho rằng quỹ chỉ đứng ra ký hợp đồng mua thay mặt UBND TP; thứ hai là trong chức năng, nhiệm vụ của quỹ có phần thực hiện “nhiệm vụ khác” do UBND TP giao để thực hiện mục tiêu “ba có” của TP (trong đó có nhà ở) mà giá bán lại cho các đối tượng TP duyệt cũng như giá mua, chứ TP không tính lời lãi gì trong này.

Trả lời câu hỏi: “Nhiều doanh nghiệp phản ảnh có hay không chuyện ưu ái hai đơn vị trên khi lời thì doanh nghiệp hưởng, khi khó, giá nhà xuống thì TP đứng ra giải cứu?”, ông Vui nói: “Thật ra mấy doanh nghiệp làm ra nhà rồi bán thì phải phụ thuộc vào danh sách mua nhà của các cơ quan TP duyệt xem đúng đối tượng không, rồi giao lại cho doanh nghiệp bán.

Nhưng khi TP mua lại thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành cái nhà đó, bởi thời điểm đó ổng đứng vốn rồi, còn đối với TP thì có quỹ nhà, doanh nghiệp thì giải quyết xong việc, không để công trình dở dang, được 
cho lợi ích xã hội”.

Đối tượng mua gồm cán bộ, công chức, viên chức (chưa được hưởng các chính sách về nhà ở, đất ở của UBND TP) thuộc diện thu hút nguồn nhân lực; hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc khối Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của TP (đang sinh sống và làm việc tại TP Đà Nẵng; đã lập gia đình, có hộ khẩu tại Đà Nẵng, chưa có nhà ở).
Việt Hùng - Hữu Khá (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.