CafeLand – Đối với những người thu nhập thấp tại các đô thị có một căn nhà cho riêng mình luôn là một giấc mơ. Nhà ở xã hội là một chính sách tích cực của Nhà nước nhằm giúp người dân biến giấc mơ đó thành hiện thực. Tuy nhiên, con đường đi đến giấc mơ này thực tế trải đầy chông gai, từ khâu xét duyệt để được mua cho tới khi vào ở thì người mua vẫn nhiều phen khốn đốn.

Mua không được

TP.HCM và Hà Nội là hai đô thị phát triển và lượng dân số đông đúc bậc nhất của cả nước, trong đó chiếm một lượng rất lớn là người lao động nhập cư từ nhiều tỉnh thành. Nhu cầu về nhà ở luôn bức thiết với nhóm đối tượng này, tuy nhiên phần lớn họ đều là những người trẻ, những người thu nhập thấp nên rất khó để mua được nhà với giá cả thị trường. Do đó, chính sách xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nhằm mang đến cơ hội sở hữu nhà cho nhóm đối tượng này.

Không dễ để người thu nhập thâp có thể mua được nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để mua được nhà ở xã hội, người mua phải vượt qua rất nhiều thủ tục, trong đó có cả những quy định không phù hợp, đánh đố người mua. Bên cạnh đó, gói vay hỗ trợ tài chính 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà từng được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh của người thu nhập thấp có quá nhiều cản trở và sắp hết hạn.

Anh Hưng – một người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cho biết, phải mất cả mấy tháng trời để hoàn thiện hồ sơ xét duyệt mua nhà ở xã hội nhưng cuối cùng anh phải bỏ cuộc vì gặp rắc rối trong quá trình chứng minh thu nhập với ngân hàng. “ Vợ chồng tôi có thu nhập hàng tháng có đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng khi vay tiền mua nhà. Thế nhưng để chứng minh cho ngân hàng về số thu nhập đó thì rất khó, vì vợ chồng tôi làm nghề tự do, đủ thứ công việc chứ không phải làm công ty có bảng lương hàng tháng”, anh Hưng nói.

Trong khi người nghèo, người có nhu cầu bức thiết về nhà ở không chạm tay tới được căn hộ thì cũng có tình cảnh ngược đời là người đi ô tô được ở nhà ở xã hội, hoặc những người tìm nhiều cách để mua được sau đó rao bán lại cho người khác kiếm tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu.

Mới đây nhất câu chuyện bố, vợ và mẹ vợ của ông phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BIC Việt Nam (Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Rice City, Hà Nội) bỗng dưng có tên trong danh sách được xét duyệt mua nhà tại dự án này đã khiến dư luận bức xúc. Mặc dù sau đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã tiến hành xác minh và sau đó những vị này tự động rút khỏi danh sách, nhưng nó phản ánh phần nào về quy trình xét duyệt, và mặt trái trong việc xét duyệt mua nhà ở xã hội hiện nay.

Người dân mua nhà ở xã hội đã khó, để các doanh nghiệp chịu đầu tư làm các dự án nhà ở xã hội càng khó hơn. Trong khi phân khúc dự án thương mại đang sôi sục thị trường, có lợi nhuận cao ngược lại nếu làm nhà ở xã hội lợi nhuận ít ỏi, thủ tục rườm rà.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, thị trường nhà ở xã hội, nhà giá rẻ hiện nay rất rộng lớn, những doanh nghiệp nếu chấp nhận ở một mức lợi nhuận chấp nhận được thì có thể thực hiện. Tuy nhiên, thủ tục để xin làm một dự án nhà ở xã hội cũng rất nhiêu khê, thậm chí còn khó khăn hơn cả xin thủ tục làm một dự án nhà ở thương mại.

Ở cũng không xong

Nhiều người chưa kịp vui mừng vì sau khi vượt qua rất nhiều cửa ải, cũng đã sở hữu cho mình một căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, có nhà không có nghĩa là họ được thảnh thơi, thậm chí dù sống trong căn nhà mình nhưng họ luôn thấp thỏm lo sợ.

Câu chuyện về chất lượng thi công không đảm bảo tại dự án nhà ở xã hội The Easster City (huyện Bình Chánh) đang khiến nhiều cư dân sinh sống tại đây bức xúc. Theo phản ánh của người dân, mặc dù chỉ mới vào ở một thời gian ngắn nhưng nhiều hạng mục trong căn hộ đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Tường, trần nhà liên tục bị thấm dột, gạch lát sàn cũng không đảm bảo, nhiều hạng mục công trình vẫn đang trong quá trình thi công nên gây tiếng ồn, bụi ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.

Được biết, tiền thân của Easster City là dự án nhà ở thương mại 6B do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Sau một thời thị trường khó khăn, căn hộ không tiêu thụ được, chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang làm dư án nhà ở xã hội và ngay lập tức thu hút người mua với mức giá bán trên dưới 1 tỷ/căn.

Chất lượng và sự an toàn tại các dự án nhà ở xã hội đang gây nhiều lo ngại.

Trước đó, trong lúc đang ngủ thì hàng trăm cư dân sống tại dự án nhà ở xã hội HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hốt hoảng phát hiện khói lửa bùng phát ở tủ điện ở tầng 11 ở block 4. Theo phản ánh của cư dân, dựa án này có quy mô 4 block chung cư, mặc dù công trình vẫn đang thi công ngổn ngang nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ Phần địa ốc Hoàng Quân đã cho các cư dân vào sinh sống bên trong. Vụ hỏa hoạn đã làm lộ ra hàng loạt sai phạm trong đó có việc công trình chưa được nghiệm thu, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng chưa hoạt động.

Dự án nhà ở xã hội First Home Thạnh Lộc (quận 12) cũng từng gây nhiều bức xúc cho người mua khi chủ đầu tư là Công ty Tổ chức Nhà Quốc Gia (N.H.O) và Hợp tác xã Gia Phú có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng và liên tục thất hứa thời điểm bàn giao nhà. Được khởi công từ tháng 7/2013, dự án sau nhiều lần trì hoãn thì chủ đầu tư đã cam kết sẽ giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2015, tuy đến tận tháng 3/2016 chủ đầu tư vẫn chưa thể bàn giao, nhiều hạng mục vẫn ngổn ngang thi công.

Thực tế khi nói về chất lượng của các dự án nhà ở xã hội nhiều người thường nghĩ đến câu “tiền nào của nấy”. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, thực hiện nhà ở xã hội đáp ứng đủ các tiêu chí như giá rẻ, chất lượng tốt và có vị trí thuận lợi là điều rất khó với các doanh nghiệp. Do đó, đầu tư nhà ở xã hội đòi hỏi kinh nghiệm, khả năng tài chính và cái tâm của chủ đầu tư. Bên cạnh, là sự hỗ trợ từ các chính sách tích cực của nhà nước đầu tư hạ tầng, quy hoạch và có ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.