Giá đất năm 2015 tăng khoảng 1,6 lần so với giá đất năm 2014, nhưng người có nhà đất trong hẻm phải đóng tiền sử dụng đất cao gấp 3-4 lần giá năm trước do bảng giá đất mới không quy định cấp hẻm.

Lô đất của ông V. (xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) bị tính tiền sử dụng đất gấp 3 lần so với quy định cũ năm 2014 - Ảnh: D.N.HÀ

Giá đất năm 2015 tăng khoảng 1,6 lần so với giá đất năm 2014, nhưng người có nhà đất trong hẻm phải đóng tiền sử dụng đất cao gấp 3-4 lần giá năm trước do bảng giá đất mới không quy định cấp hẻm.

Cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn V. (Q.7, TP.HCM) làm thủ tục chuyển sang đất ở lô đất rộng 132m2 tại xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh. UBND H.Bình Chánh có quyết định chấp thuận cho ông V. được chuyển mục đích sử dụng đất vào ngày 22-11-2014.

Tháng 2-2015, ông V. giật mình khi Chi cục Thuế H.Bình Chánh thông báo tiền sử dụng đất ghi nợ với số tiền ông phải nộp lên đến 191 triệu đồng.

Tiền sử dụng đất tăng 4 lần

Bất ngờ vì số tiền sử dụng đất phải đóng quá cao, ông V. tìm các văn bản về giá đất và cách tính tiền sử dụng đất năm 2014 để tự tính.

Ðối chiếu với quyết định 60 năm 2013 của UBND TP.HCM ban hành giá đất năm 2014, ông V. khẳng định Chi cục Thuế H.Bình Chánh tính tiền sử dụng đất của ông chưa đúng. Từ quốc lộ 1 đến lô đất của ông V. phải qua một con hẻm đất rộng hơn 2m và một ngã rẽ.

Lô đất của ông V. có mặt giáp với hẻm đất rộng hơn 2m. Ông V. cho rằng với vị trí đất như trên thì tính theo quy định năm 2014 tổng số tiền sử dụng đất ông phải đóng chỉ trên 55 triệu đồng.

“Cứ cho giá đất năm nay tăng lên thì tôi chỉ đóng thêm chút ít chứ không phải hơn 191 triệu đồng như cơ quan thuế thông báo” - ông V. nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chi cục trưởng Chi cục Thuế H.Bình Chánh, cho biết cơ quan này áp dụng bảng giá đất năm 2014 và cách tính mới theo quyết định 51 về ban hành bảng giá đất năm 2015 của UBND TP để tính tiền sử dụng đất cho ông V.. Với cách tính này thì tiền sử dụng đất của ông V. là hơn 191 triệu đồng.

“Theo tôi, Chi cục Thuế H.Bình Chánh đã tính tiền sử dụng đất cho tôi chưa đúng. Nếu tôi không làm rõ, cơ quan chức năng ghi nợ số tiền này lên giấy chủ quyền của tôi thì sau này khó mà tính lại” - ông V. nói. Theo ông V., cách tính này làm ông phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn 130 triệu đồng nên ông đã rút hồ sơ lại.

Ông Trương Quang (Q.Gò Vấp) cho biết năm 2014, ông đã chuẩn bị hồ sơ hợp thức hóa nhà tại P.8 (Q.Gò Vấp). Căn nhà nằm trong hẻm rộng hơn 20m của đường Quang Trung. Với giá đất đường Quang Trung là 7,8 triệu đồng/m2 thì tiền sử dụng đất căn nhà của ông phải đóng khoảng 1,5 triệu đồng/m2. Do bận chuyện làm ăn nên ông Quang không nộp hồ sơ hợp thức hóa nhà.

Ðầu năm nay, ông Quang đem hồ sơ nhà để làm tiếp và nhờ cán bộ thuế tính tiền sử dụng đất. Với giá đất đường Quang Trung hiện tăng lên 15,6 triệu đồng/m2 và theo cách tính mới thì tiền sử dụng đất căn nhà của ông Quang lên đến 6,2 triệu đồng/m2, cao gấp bốn lần so với năm trước.

“Tôi nghĩ giá đất mặt tiền đường Quang Trung tăng gấp đôi thì tiền sử dụng đất trong hẻm nhà tôi cũng tăng gấp đôi, chứ tăng gấp bốn lần làm sao đóng nổi?” - ông Quang than.

Giá đất hẻm tăng cao hơn mặt tiền đường

Theo phân tích của lãnh đạo chi cục thuế một quận ở TP.HCM, giá đất năm 2015 tăng trung bình 1,6 lần so với giá đất năm 2014, nhưng quyết định ban hành bảng giá đất năm 2015 của TP không quy định về cấp hẻm như năm trước nên người dân có nhà đất trong hẻm phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn ít nhất là ba lần (xem bảng).

Cách tính giá đất trong hẻm

Về việc không quy định cấp hẻm trong bảng giá đất năm 2015, ông Nguyễn Văn Hồng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, giải thích: “Theo khung giá đất của Chính phủ thì giá đất ở đô thị loại đặc biệt như TP.HCM không thấp hơn 1,5 triệu đồng/m2. Bảng giá đất của những năm trước có quy định cấp hẻm nên nhiều vị trí đất ở trong hẻm có giá thấp dưới sàn của khung giá (dưới 1,5 triệu đồng/m2). Vì vậy, bảng giá đất năm 2015 phải bỏ vị trí cấp hẻm để giá đất của tất cả vị trí trong khu vực 19 quận nội thành không thấp hơn “sàn” của khung giá đất do Chính phủ quy định, đồng thời giá đất mặt tiền đường không tăng quá cao”.

Nói về khó khăn của người dân khi phải đóng tiền sử dụng đất cao, ông Hồng cho biết Sở Tài nguyên - môi trường TP đang nghiên cứu giải pháp để giảm gánh nặng tiền sử dụng đất cho những trường hợp đóng tiền sử dụng đất cho diện tích đất trong hạn mức.

Tại TP.HCM hiện còn khoảng 97.000 trường hợp chưa được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Trong đó có rất nhiều nhà đất ở hẻm chưa được hợp thức hóa. Những trường hợp này có thể sẽ phải đóng tiền sử dụng đất tăng nhiều lần theo cách tính như trên.

Giá đất hẻm tăng cao hơn mặt tiền, người nghèo thiệt thòi

Ông Nguyễn Yểng, nguyên chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.6, cho rằng cách xây dựng bảng giá đất như trên sẽ rất khó thực hiện bởi giá đất trong hẻm tăng quá cao trong khi đa số người dân có nhà trong hẻm là người nghèo. “Theo cách tính trên thì giá đất mặt tiền đường tăng ít, người giàu ở mặt tiền đường có lợi hơn người nghèo trong hẻm là không ổn” - ông Yểng nói.

Một chuyên gia thuế tại TP.HCM đề xuất các cơ quan chức năng nên xem xét để giảm gánh nặng tiền sử dụng đất cho người dân. Theo vị này, nếu không điều chỉnh được giá đất (vì vướng khung của Chính phủ) thì có thể điều chỉnh mức thuế suất hoặc hệ số tính tiền sử dụng đất. Chẳng hạn như Nhà nước có thể ban hành hệ số tính tiền sử dụng đất cho diện tích đất trong hạn mức dưới 1 để giảm mức tiền người dân phải đóng.

D.Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.