TP Hà Nội đang giải quyết nhu cầu nhà ở nhưng chưa có đáp án cho bài toán tổ chức cuộc sống, tổ chức xã hội và quy hoạch, phát triển đô thị.

Thực trạng đông đúc, ngột ngạt tại những tòa nhà được gọi là thương mại giá rẻ như ở Linh Đàm, Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến quy hoạch, kiến trúc đô thị Thủ đô? Có hay không việc vi phạm quy chuẩn xây dựng trong quá trình triển khai các dự án?

Từng được biết đến là “khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên của Việt Nam, vậy mà mới mấy năm, khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) giờ đây đã trở nên nhếch nhác, đông đúc và bụi bặm đến không ngờ. Xen kẽ trong những dãy chung cư 7 - 12 tầng và khu biệt thự liền kề được xây từ nhiều năm trước là những khối nhà khổng lồ, cao vút đang được chủ đầu tư gấp rút xây dựng.

Tiếc nuối về một thời chưa xa, bà Hà Thị Tâm, sống ở tổ 11 than thở, 70 ha mặt nước của hồ Linh Đàm giờ cũng không “cứu” được cái tên mỹ miều “Khu đô thị kiểu mẫu” thủa trước. Nguyên nhân của sự ngột ngạt, ô nhiễm là hàng loạt dự án, chủ yếu là nhà thương mại giá rẻ đang mọc lên như nấm. Trong đó có thể kể đến lô CC6, với 12 tòa nhà cao từ 35 - 40 tầng (trên diện tích 5ha) đang ngày đêm ầm ầm tiếng máy xúc, máy cẩu. Không bao lâu nữa, khi hoàn thành, 12 tòa nhà này sẽ là nơi trú ngụ của gần 30.000 nhân khẩu.

Ông Phùng Trung Hải, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng, quy hoạch của bán đảo Linh Đàm giai đoạn 2001-2012 đang bị xáo trộn đáng kể mà lẽ ra sẽ khắc phục được, nếu như các chủ đầu tư lắng nghe ý kiến của người dân, chính quyền cơ sở.

“Nếu như quy hoạch được công khai trước khi phê duyệt, nhà đầu tư làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, chính quyền và người dân mới có điều kiện thấy những bất cập để đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện”, ông Hải chỉ rõ.

Khu chung cư Linh Đàm
xây dựng cho rằng, việc Hà Nội “thả phanh” cho loại hình chung cư này là điều cần phải suy xét. Quy chuẩn xây dựng bị vi phạm, quy hoạch kiến trúc bị phá vỡ, nhất là tình trạng dồn nén dân cư đối với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khoảng cách an toàn giữa các tòa nhà, chỉ giới đường đỏ…

Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, khoảng cách tối thiểu giữa các tòa nhà cao tầng là 25m, nhưng chủ đầu tư đã rút xuống còn 10-15m, thậm chí có nơi (như tại lô CC6 Linh Đàm) chỉ 7-8m; chỉ giới đường đỏ tại một số tòa nhà cũng thấp hơn quy chuẩn xây dựng…

PGS. TS. Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cảnh báo, đây là tình trạng rất đáng báo động. Hạ tầng thiếu đồng bộ, quy chuẩn xây dựng bị co giãn, “bóp méo” sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, nhất là hệ số an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng khi tòa nhà xảy ra sự cố.

“Mật độ dân số trên một lô đất ở đang rất cao do đó phải rất cân nhắc đến khả năng thoát người cục bộ, đảm bảo tiêu chuẩn về khoảng cách giữa các tòa nhà trong phòng hỏa. Theo quy chuẩn Việt Nam, khoảng cách giữa các mặt nhà của những nhà cao tầng này tối thiểu phải đạt được 25m, nhưng tại những khu chung cư này khoảng cách này chưa đạt được. Đây thật sự là vấn đề nếu sự cố xảy ra, vì số lượng người trong tòa nhà rất lớn”, PGS. TS. Phạm Hùng Cường lo ngại.

Bức xúc trước thực trạng này, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, không thể lấy cái mác giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân mà buông lỏng quản lý, phá vỡ quy hoạch đô thị. Những người có trách nhiệm của Thành phố Hà Nội cần thay đổi cách nghĩ xây dựng, phát triển Thủ đô theo kiểu nhà đầu tư vào là quý, nên kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Thành tích không phải là xây và bán được bao nhiêu nghìn căn hộ, mà là chất lượng cuộc sống của người dân ở đó như thế nào?!.

Dẫn chứng về sự ngột ngạt, không giống ai tại các tòa chung cư Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ… KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định, không có tiêu chuẩn nào về quy hoạch đô thị như thế. Bởi có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với số lượng cư dân hàng vạn người trên một diện tích chật hẹp. Đó không đơn thuần là những hệ lụy về mặt kiến trúc mà còn là hạ tầng xây dựng, hạ tầng giao thông, xã hội…

“Chỉ đơn cử tòa nhà PV6 ở Linh Đàm, rõ ràng đó là một công trình kiến trúc không thể chấp nhận được về mặt tỷ lệ của kiến trúc, về mặt kiến trúc của công trình cũng như vị trí của nó. Việc đưa công trình này vào vị trí hiện tại đã phá vỡ toàn bộ không gian đô thị. Thứ nhất là quá gần đường cao tốc, bên cạnh một cái làng văn hóa rất cổ, tự nhiên xây một cái nhà cao vút. Với một khối tích như thế, về mặt cảm quan mà nói, đấy không phải là kích thước của đô thị”, KTS. Trần Ngọc Chính chỉ rõ.

Từ thực tiễn tại những tòa nhà được gọi là thương mại giá rẻ cho thấy, Hà Nội mới chỉ có thể giải quyết được nhu cầu nhà ở, mà chưa có đáp án cho bài toán tổ chức cuộc sống, tổ chức xã hội và quy hoạch, phát triển đô thị.

Một Thủ đô đẹp, hiện đại phải là một đô thị có chất lượng về quy hoạch, trong đó không thể thiếu những khu đô thị, những tòa chung cư hợp chuẩn, hài hòa kiến trúc, không gian. Không nên gắn cái mác giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân để băm nát quy hoạch, kiến trúc đô thị./.

Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.