Thay vì xếp hàng ngóng đến lượt được mua nhà thu nhập thấp, giờ đây người mua nhà đã có nhiều cơ hội hơn. Từ tư duy phân phối, chủ đầu tư bắt đầu phải “mở cửa” trong cách bán hàng, chủ động tiếp cận người mua. Nhà thu nhập thấp, trên thực tế cũng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các phân khúc nhà khác.

Nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1

Công khai thủ tục, minh bạch ưu đãi

Tuần vừa rồi, một buổi giới thiệu quy trình mua nhà thu nhập thấp đã được Bộ Xây dựng phối hợp với TCty Viglacera tổ chức rầm rộ, với sự tham gia của nhiều quan chức và đông đảo người dân có nhu cầu. Trong buổi giới thiệu đó, quy trình mua nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá 2, sẽ bàn giao quý I/2014, được giới thiệu, hướng dẫn kỹ lưỡng cho khách hàng.

Theo đó, Viglacera đưa ra mức giá dưới 9 triệu đồng/m2 (đã bao gồm 5% VAT và phí bảo trì), như vậy, chỉ với 310 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một căn hộ diện tích 35,8m2. Đây được xem là mức giá “gây sốc” trong khi các dự án thu nhập thấp khác đều có giá trên 11 triệu, thậm chí là 14-15 triệu đồng/m2. Đồng thời, khách hàng cũng được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thông qua Vietinbank, với mức vay đến 80% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm với mức lãi suất không vượt quá 6%/năm, thế chấp tài sản chính bằng căn hộ vừa mua.

Chương trình này của Viglacera thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn hộ gia đình, cho thấy nhu cầu về chỗ ở của người thu nhập thấp còn rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều dự án nhà thu nhập thấp vẫn bị “ế”, cho thấy phương thức bán hàng, giá cả, các thủ tục hành chính, điều kiện hạ tầng... dường như vẫn là bức tường ngăn giữa cung và cầu.

Cung tăng vọt, giá giảm đến đâu?

Năm 2013 được xem là năm dành cho loại hình nhà ở xã hội, đây cũng là lĩnh vực mà chính sách ưu đãi của Nhà nước đang hướng tới nhiều nhất. Chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thuế VAT được giảm 50%, hỗ trợ vốn vay lãi suất 6%…, “đầu ra” cũng được “nới” hơn. Chính vì thế, dự án nhà ở xã hội lại mọc lên như “nấm sau mưa”.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 8/2013 cả nước đã có trên 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội, quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 22 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 6.000 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 8.320 căn hộ.

Cho đến nay đã có khoảng 11 dự án động thổ, khởi công. Riêng ở Hà Nội đã có một số dự án bắt đầu nhận đơn đăng ký mua nhà và mở bán như hơn 1.000 căn ở Đặng Xá 2, gần 1.000 căn ở Bắc Cổ Nhuế -Chèm, 1.000 căn ở Tây Nam Linh Đàm,...

Các căn hộ nhà xã hội hiện nay được cho là khá hợp lý với diện tích thiết kế từ 36m2 đến 70m2, gồm 1-2 phòng ngủ, giá bán trên dưới 10 triệu đồng/m2 tùy từng dự án. Tổng giá trị căn hộ khoảng 300-600 triệu đồng là phổ biến. Mức giá này được cho là sẽ đáp ứng được phần đông người dân có nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, với những người thu nhập thấp thì khoản tài chính này cũng sẽ vẫn là một gánh nặng với họ. Trong khi đó, chính sách ưu đãi từ gói 30.000 tỷ còn giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Đến nay, các ngân hàng mới giải ngân được chừng 200 tỷ đồng.

“Điều này rất dễ dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn cung trong vòng 3-5 năm tới. Trong khi đó, giá bán nhà ở xã hội mà không thấp hơn hẳn so với nhà thương mại giá rẻ thì rất khó cạnh tranh. Nếu không có biện pháp giảm giá và kết nối hạ tầng hợp lý, thị trường bất động sản lại phải chịu đựng tình trạng nhà thu nhập thấp ế mà người thu nhập thấp vẫn không an cư” – ông Hoàng Hùng, chuyên gia xây dựng nhận định.

Bách Nguyễn (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.