“Khi giám sát nhà (tái định cư) TĐC thì họ đưa ra kết luận đó nhưng sự thực điều này tồn tại trong tất cả các dự án khu dân cư ở Hà Nội từ khá lâu rồi” GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định về thực trạng nhà TĐC hiện nay.
Trong buổi giám sát của đoàn giám sát Thường trực HĐND TP Hà Nội tại Sở Quy hoạch Kiến trúc ngày 25-9, về công tác quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa bàn, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá: "Tuy Hà Nội đã đạt được tỷ lệ nhà ở chung cư, tái định cư cao nhất cả nước nhưng khâu quản lý, thực hiện lại không quyết liệt, hiệu quả như TP Hồ Chí Minh, vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng diệntích đất ở các khu chung cư còn hướng về cái lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư".
Nhìn nhận từ thực tế thực trạng cũng như những biến thái xung quanh vấn đề nhà TĐC hiện nay, GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã có cuộc trao đổi với PV Vland xung quanh vấn đề này.
Để xảy ra chuyện là có lỗi của quản lý
PV: Trước cuộc giám sát Thường trực HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư trên địa bàn, vấn đề nhà TĐC đã được đề cập và đặt ra khá nhiều. Nhìn nhận từ thực tế, ông có đánh giá gì về thực trạng tại các khu TĐC hiện nay?
GS. TSKH Đặng Hùng Võ:
Nếu nói về nhà TĐC hiện nay sự thực mà nói cần quan tâm nhất đến 2 việc chính còn tồn tại đặc biệt gắn với khu TĐC. Thứ nhất, là chất lượng hiện nay vẫn còn thấp. Thứ hai, là việc sử dụng không gian TĐC còn chưa mạch lạc. Có khi để TĐC cho người bị thu hồi đất lại được phân cho người không thuộc trong diện phải thu hồi. Hoặc chủ đầu tư có thể lợi dụng và xây thêm coi đó là không gian của mình và cho thuê thậm chí có thể để bán mà người ta thường nói là bị “dắt” vào trong không gian TĐC. Thành ra không phải tất cả không gian trong khu TĐC đều thuộc về người dân mà có thể bị chi phối bởi chính quyền cũng như nhà đầu tư.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường
PV: Vấn đề cài “dắt” những mục đích khác vào không gian TĐC phần lớn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong khi đó người dân chỉ lĩnh phần thiệt thòi. Nhưng cũng như bài toán chất lượng đây không phải là vấn đề mới nếu không nói là đã tồn tại khá lâu?
GS. TSKH Đặng Hùng Võ:
Hiện nay rất nhiều khu ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng đó chứ không chỉ riêng gì khu TĐC. Hiện tượng thường diễn ra ở các khu chung cư ở Hà Nội là việc các hạng mục trong các khu đó như vườn hoa, bãi đỗ xe, các diện tích công cộng… không được thực hiện triệt để.
Cụ thể, thứ nhất, là không làm.
Thứ hai là xin thay đổi thường là cắt xén các diện tích công cộng, tăng diện tích nhà ở, tăng số tầng. Và đương nhiên điều đó là làm lợi cho doanh nghiệp còn đối với những người dân thì đó là sự thiệt thòi. Và rất nhiều nơi, nhà đầu tư chỉ làm đến nhà ở thôi còn tất cả những hạng mục trong khu đó thì không làm, dừng lại để đấy, không thi công nữa.
Khi giám sát nhà TĐC thì họ nói rằng có kết luận đó nhưng sự thực điều này tồn tại trong tất cả các dự án khu dân cư ở Hà Nội từ khá lâu rồi.
Chính quyền phải thực hiện việc quản lý nhưng có thể chính quyền lại châm chước do lý do này khác từ sự quen biết, cùng chung lợi ích hoặc được bôi trơn thậm chí có thể lơ đãng trong quản lý. Tất cả dẫn đến việc quản lý không chặt dẫn đến nhà đầu tư có thể làm tất cả những việc có lợi cho mình. Đó là tình trạng đang khá phổ biến hiện nay. Để xảy ra chuyện đó là có lỗi của quản lý.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh:"Tuy Hà Nội đã đạt được tỷ lệ nhà ở chung cư, tái định cư cao nhất cả nước nhưng khâu quản lý, thực hiện lại không quyết liệt, hiệu quả như TP Hồ Chí Minh, vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất ở các khu chung cư còn hướng về cái lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư"
Kiểm tra rồi lại cho tồn tại thì cũng không để làm gì
PV:Vậy vấn đề cần đặt ra ở đây là gì? Liệu có phải vấn đề đã được đặt ra và tồn tại khá lâu thì khó giải quyết được một cách triệt để, thưa ông?
GS. TSKH Đặng Hùng Võ:
Vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý, tăng cường giám sát đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý. Việc giám sát thực hiện phải được đặt ra một cách cụ thể. Có kết luận, bắt sửa chữa…phải được làm một cách quyết liệt, triệt để. Đấy là những việc cần thực hiện trong việc có liên quan đến quản lý và giám sát.
"Không phải tất cả không gian trong khu TĐC đều thuộc về người dân mà có thể bị chi phối bởi chính quyền cũng như nhà đầu tư"
Nói cụ thể về quản lý ai sai thì sẽ phải xử. Còn một khía cạnh nữa là cơ quan quản lý cấp trên phải kiểm tra một cách thường xuyên chứ không phải chỉ đợt đến kỳ đến đợt, có chỉ thị, yêu cầu mới bắt đầu tiến hành kiểm tra. Nhưng việc cấp trên kiểm tra cấp dưới hiện nay vẫn chưa thực sự được coi trọng.
Và việc đương nhiên, kiểm tra phát hiện sai phạm thì phải xử lý ngay chứ kiểm tra xong, kết luận, đánh giá rồi để đấy, kiểm tra xong rồi lại cho tồn tại thì cũng không để làm gì.
PV:Theo ông, việc giám sát nên thực hiện thế nào để thực sự không chỉ là “đưa ra rồi để đấy”?
GS. TSKH Đặng Hùng Võ:
Việc giám sát của HĐND (thậm chí là lấy ý kiến của người TĐC, các tổ chức xã hội có liên quan) là động tác nằm ngoài hệ thống hành chính. Những kết luận của HĐND phải thực sự cụ thể. Chỉ ra dự án A, dự án B nhà đầu tư đang lấy thừa bao nhiêu diện tích, chủ đầu tư cấp quận đang sử dụng bao nhiêu diện tích để làm việc khác chứ không phải để giải quyết TĐC phải được đưa ra một cách cụ thể rồi mới yêu cầu dự án đó lặp lại trật tự. Chủ đầu tư phải “nhè” ra phần đã cắt xén, chính quyền giải quyết chỗ này chưa đúng thì phải giải quyết lại.
Đó là những vấn đề cần đặt ra chứ việc giám sát mà chỉ đưa ra những kết luận chung chung thì cũng không để làm gì, không thể giải quyết vấn đề gì.
Giám sát chỉ ra khuyết điểm nhưng phải chỉ ra khuyết điểm cụ thể. Có thể không giám sát được tất cả các dự án nhưng giám sát tình hình chung là một việc nhưng giám sát ở dự án nào phải chỉ ra thật cụ thể ở dự án đó thì mới có thể giải quyết được vấn đề chứ nếu chỉ kết luận mang tính chất chung chung thì rất khó. Ngay như vấn đề về chất lượng nhà TĐC cũng vậy. Đây là vấn đề đã được nói đến rất nhiều nhưng dù thế nào thì việc xây dựng vẫn phải dựa trên những quy định, tiêu chuẩn trong xây dựng. Nhà quản lý phải có sự kiểm tra đánh giá để giải đáp cho người dân. Chất lượng chưa được ở đâu. Chứ không phải cứ để xảy ra tình trạng người dân cứ phản ánh bức xúc còn cơ quan chuyên môn thì không nó gì. Việc giám sát có thể được đẩy lên cao nhưng sự thực lại không mang được kết quả cao. Chỉ chỉ ra được một số khuyết điểm chung chung thì không thể đòi hỏi việc sửa đổi. Sửa đổi như thế nào khi không có đích danh việc sai phạm của ai, ở đâu, như thế nào.

Xin cảm ơn ông!

Những khu tái định cư đau đầu người dân

Khu tái định cư Green Park Tower – CT1, CT2 Yên Hòa – Dự án đất 20% của khu đô thị Yên Hòa :118 căn tái định cư ban đầu có thông tin chuyển đổi thành nhà công vụ, số căn còn lại để bán thương mại khiến người dân được bố trí tái định cư hoang mang trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố còn quá thiếu thốn. Gần đây lại có thông tin dự án này chỉ được mua 6 căn nhà công vụ, còn lại vẫn để phục vụ quỹ tái định cư. Xong đến thời điểm này, dư luận vẫn chưa thấy một căn tái định cư nào được bố trí trong dự án.

Khu tái định cư Đền Lừ, Định Công … sau một thời gian đi vào hoạt động đã khiến người dân hoang mang khi chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hạ tầng xuống cấp hơn cả các khu tập thể cũ, thang máy hoạt động cầm chừng, liên tục hỏng. Cảnh tượng kính rơi, gạch vỡ, rêu mốc ở những khu này đã trở thành hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu của khu tái định cư ở Hà Nội.
Theo Hồng Khanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.