Những định kiến xấu kéo dài nhiều năm qua trong dư luận về nhà tái định cư (TĐC) như xuống cấp nhanh, chất lượng kém khiến nhiều khu TĐC dù hoàn thành 2-3 năm nhưng vẫn không có người đến ở. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng khó khăn mà tiến độ các dự án cũng bị kéo dài nhiều năm.

Nhà tái định cư - nơi thừa, nơi thiếu

Khu đô thị Nam Trung Yên là khu có số lượng nhà TĐC lớn nhất thành phố. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số tòa nhà như A6, B10, B6 rất ít người đến ở. Trong đó tòa nhà B6C, B6D dù đã hoàn thành được 2 năm nhưng vẫn chưa căn hộ nào được sử dụng.

Tương tự tòa nhà tái định cư A1, A2 nằm trong ngõ nhỏ 624 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) mặc dù đã hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn rất ít người đến ở. Đường vào khu nhà dành cho hàng trăm căn hộ chỉ là con ngõ đủ cho một chiếc ô tô con. Đoạn ngõ 50m dày đặc ổ gà, ổ voi, lúc nào cũng đọng nước. Theo chị Nguyễn Lan Anh, người dân tại đây thì tòa nhà đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, cứ trời mưa là thấm dột.

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có 144 dự án đầu tư liên quan tái định cư với tổng quỹ đất khoảng 1.153ha. Trong đó có 42 dự án đầu tư đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng quỹ đất khoảng 167ha. Sau khi hợp nhất năm 2008, hàng năm Hà Nội triển khai khoảng 1.000 dự án phải GPMB, thu hồi đất. Nhu cầu nhà TĐC lên tới 20.000 căn hộ/năm. Nhưng trong hơn 10 năm qua, cả thành phố mới xây dựng được khoảng 11.000 căn hộ, chiếm già nửa số căn hộ cần đáp ứng cho một năm GPMB. Điều này cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu nhà TĐC tại Hà Nội. Mặc dù tính chung thì thiếu, nhưng do công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà TĐC yếu kém nên đã xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Có dự án được giao nhà vài năm để mốc mà chưa sử dụng đến vì tiến độ kéo dài, có dự án khác phải "chờ dài cổ" chưa thấy NTĐC đâu. Nguyên nhân là vì các sở, ngành, quận, huyện đều có thể làm chủ đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng NTĐC. Mỗi nơi một kiểu, mỗi chủ đầu tư một “phách”. Cùng với những yếu kém trong kiểm tra, giám sát, điều hành, quản lý nên nhiều NTĐC đã trở thành nhà bỏ không, rất lãng phí.


Xuống cấp trầm trọng

Chỉ cần nhìn thoáng qua, chung cư TĐC Nam Trung Yên có sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu nhà ở chung cư thương mại và khu chung cư tái định cư. Lâu nay việc xây dựng nhà tái định cư luôn bị coi nhẹ về chất lượng công trình, thiếu một nội dung quy định cụ thể như một sản phẩm xây dựng với các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá. Người dân hầu hết đều kêu rất nhiều về chất lượng nhà tái định cư. Nhà tái định cư Nam Trung Yên, bên ngoài các tòa nhà bị bong tróc, ẩm mốc, quán nước, hàng quán, bếp than tổ ong có mặt đầy rẫy ngay sảnh tòa nhà. Đi vào trong, gạch lát hàng lang bị vỡ, bong nhiều chỗ, các thiết bị chiếu sáng đều trong tình trạng hỏng hóc, cầu thang máy hỏng liên tục, hỏng dài ngày không có người đến sữa chữa đã trở thành chuyện thường ngày.
Khu tái định cư Đền Lừ, Định Công … sau một thời gian đi vào hoạt động cũng khiến người dân hoang mang khi chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hạ tầng xuống cấp hơn cả các khu tập thể cũ, thang máy hoạt động cầm chừng, liên tục hỏng. Cảnh tượng kính rơi, gạch vỡ, rêu mốc ở những khu này đã trở thành hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu của khu tái định cư ở Hà Nội.

Sở Quy hoạch - kiến trúc (QH-KT) Hà Nội cũng đã phải thừa nhận việc xây dựng nhà tái định cư hiện nay đang bị coi nhẹ về chất lượng. Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát nhà TĐC vừa qua cũng cho biết: Tuy Hà Nội đã đạt được tỷ lệ nhà ở chung cư, tái định cư cao nhất cả nước nhưng khâu quản lý, thực hiện lại không quyết liệt, hiệu quả như TP Hồ Chí Minh, vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất ở các khu chung cư còn hướng về cái lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư".


Hiện nay, tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang hoặc không sử dụng hết còn diễn ra khá nhiều. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng cho biết: Có một thực tế là chính quyền chỉ lo làm sao có nhà tái định cư, chỉ lo có nhà ở, không quan tâm tới chỗ ở. Chỗ ở đối với người nghèo, người thu nhập trung bình đó là gắn với nơi tạo ra thu nhập. Đưa họ đi đến nơi quá xa, nơi heo hút không tạo ra thu nhập, họ không đến ở là tất yếu. Chỗ ở phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng.

Bà Nguyễn Thị Lan, chung cư TĐC Vĩnh Tuy cũng tâm sự: Tòa nhà này hoàn thành hơn 2 năm nhưng nhìn đường sá, nhà cửa và không gian như vậy đến tôi cũng chẳng muốn về ở. Xung quanh thì cỏ, rác ngập ngụa. Nhà cửa đã xuống cấp, sơn tường đã bị bong hết. Tòa nhà chẳng mấy chốc bị biến thành khu tập thể cũ. Thêm vào đó, về đây ở chả biết kiếm thêm thu nhập ở đâu. Vì vậy nhiều người đã cho thuê nhà để đi thuê chỗ khác có thể buôn bán, dịch vụ.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng cho rằng Nhà nước nên khuyến khích xây dựng nhà giá rẻ và đền bù tiền để người dân được tự chọn lựa ngôi nhà mình ở, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của họ. Nhà tái định cư cũng nên coi là sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm này phải đưa ra thị trường thì mới đánh giá được hiệu quả. Nếu coi nhà TĐC là sản phẩm, chúng ta có thể xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá…

Theo Khánh Hòa (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.