Hàng trăm nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại chưa giải quyết triệt để, thì địa bàn Hà Nội lại phát sinh thêm những căn nhà mỏng, méo khác trên những con đường, tuyến phố mới mở. Đây là ghi nhận qua đợt khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng đô thị trên một số quận mới đây.
Nhà siêu mỏng tại tuyến đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Ảnh: Hải Anh
Chưa tính kỹ khi quy hoạch chi tiết
Thị sát các tuyến đường mới thuộc một số quận nội thành, những ngôi nhà méo, mỏng, kỳ dị, gây mất mỹ quan đô thị lại xuất hiện. Đơn cử như quận Cầu Giấy, hiện đang thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 3 tuyến đường mới gồm Nguyễn Văn Huyên kéo dài (từ Bảo tàng Dân tộc học đến đường 32), Vành đai 2 (đoạn qua địa bàn phường Nghĩa Đô) và Trần Quý Kiên kéo dài (đoạn qua Nhà thi đấu quận Cầu Giấy). Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, 3 tuyến đường trên có 64 trường hợp có thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Quận đã có phương án xử lý hợp thửa, chỉnh trang cho tồn tại được 42 trường hợp.
Quận Hoàng Mai có 75 trường hợp công trình siêu mỏng, siêu méo xuất hiện chủ yếu dọc tuyến đường Vành đai 2 và tuyến đường ven sông thuộc dự án thoát nước giai đoạn II. Trong đó có 48 trường hợp thu hồi, 23 trường hợp tiến hành hợp thửa và 2 trường hợp chỉnh trang cho tồn tại tạm thời. Dù đã rất tích cực của các cơ quan chức năng, song việc xử lý vẫn rất khó khăn, nhiều trường hợp không thực hiện thủ tục hợp thửa với hộ liền kề vì chưa có sự thống nhất giữa hai bên.
Quận Hai Bà Trưng có đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) và đường Thanh Nhàn cũng có 70 trường hợp sau giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại không đủ xây dựng và khả năng xuất hiện nhà mỏng, méo rất dễ xảy ra. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sĩ Phong khẳng định: “Quận thường xuyên rà soát, kiểm tra, quản lý nhằm tránh những công trình siêu mỏng, siêu méo xuất hiện”.
Nguyên nhân tồn tại những công trình siêu mỏng, siêu méo chính là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa được tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng. Việc xử lý tồn tại rất khó khăn, vì nếu không vận động hợp thửa, hợp khối của các hộ dân được, Nhà nước phải thực hiện các thủ tục lập dự án thu hồi, bàn giao đơn vị quản lý. Cũng chính sự khó khăn này, trên địa bàn thành phố đã từng có thửa đất chỉ là một bức tường, chủ nhà đã ra giá đến hàng tỷ đồng.
Không để phát sinh mới
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, để những tuyến đường của Hà Nội trong tương lai không xuất hiện tình trạng nhà mỏng, méo, thì việc quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên đường cần phải tiến hành ngay và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cần sớm tham mưu cho thành phố nội dung này.
Tại các hội nghị giao ban quý năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện đôn đốc xử lý nghiêm các công trình siêu mỏng, siêu méo, giải quyết dứt điểm không để tái diễn. Đối với các quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến đường mới mở như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm…, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp với các tổ công tác liên ngành, kiểm tra việc quản lý, chỉnh trang đô thị hai bên các tuyến đường mới mở trên địa bàn được giao quản lý.
Các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng còn tồn đọng, các địa phương cần yêu cầu các phòng ban chuyên môn, UBND các phường phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng trên địa bàn quận, huyện thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý dứt điểm, tạo diện mạo đô thị văn minh, sạch đẹp. Đặc biệt, UBND thành phố đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND thành phố về kết quả xử lý tồn đọng và không để phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo hai bên các tuyến đường mới mở thuộc địa bàn quản lý.
Có thể thấy, cùng với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương thì các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc cũng cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, rà soát, có biện pháp tháo gỡ trong việc cấp giấy phép xây dựng, hướng dẫn chỉnh trang kiến trúc công trình trên các tuyến đường; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng, không để phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo.
Việt Tuấn (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.