Dự án nhà ở xã hội hình thành với mục đích hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở. Tuy nhiên, gần đây, có hiện tượng một số dự án tìm cách chiếm dụng vốn khách hàng.

Cơ quan quản lý địa phương biết, nhưng chưa có hướng xử lý; Bộ Xây dựng “ngơ ngác” trước hình thức vi phạm mới này.

Kế hoạch cuối năm 2013 xong móng, nhưng dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú (Hà Đông) mới đóng cọc. Ảnh: L.H.V..

Không đặt tiền, khỏi mua nhà

Phản ánh với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Hà (ở Giảng Võ, Hà Nội) cho biết: Hồ sơ mua nhà ở xã hội của chị tại dự án SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) đạt điểm cao và được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt đủ điều kiện mua (căn hộ). Tuy nhiên, chủ đầu tư (Cty CP Đầu tư Xây dựng & Phát triển Đô thị Sông Đà - SDU, thuộc Tổng Cty Sông Đà) lại có yêu cầu lạ đời: Để được mua, chọn căn phải đặt cọc trước 70 triệu đồng (dù dự án chưa xây xong móng).

“Dù không trả lời bằng văn bản, nhưng khi tới làm việc, nhân viên công ty yêu cầu nộp tiền đặt cọc. Nếu không, khách hàng phải rút hồ sơ để họ xét người khác. Trường hợp không rút, hồ sơ thế nào, chủ đầu tư xây nhà xã hội không chịu trách nhiệm”, chị Hà nói.

Dù biết chủ đầu tư này làm như trên là không đúng quy định (chưa được huy động vốn từ khách hàng dưới mọi hình thức khi chưa xong móng) và có ý chiếm dụng vốn, nhưng nghĩ làm căng sẽ bị thiệt, nhiều khách hàng phải cắn răng đem tiền tới nộp.

Ngay như chị Hà, nộp tiền xong liền được chủ đầu tư đưa bản cam kết in sẵn để ký, với nội dung: “Tôi tự nguyện làm bản cam kết xin được đặt cọc số tiền 70 triệu đồng để đảm bảo sẽ mua nhà của công ty. Khi hợp đồng mua nhà được ký chính thức, số tiền sẽ được chuyển thanh toán lần 1. Nếu sau 10 ngày có thông báo (tới ký hợp đồng), khách hàng không tới, số tiền sẽ thuộc về chủ đầu tư”.

Lạ lùng nhất, nộp tiền xong, chị Hà không được thông báo số tiền vừa đóng được sử dụng ra sao. “Biết họ tìm cách chiếm dụng vốn có thể sử dụng sai mục đích, nhưng không nộp không được. Chỉ hy vọng các cơ quan nhà nước sẽ giám sát chặt những dự án nhà ở xã hội”, chị Hà nói.

Cùng chung tâm trạng lo lắng, chị P.T.T (xin giấu tên) chia sẻ, đặt cọc trước chỉ sợ “thả gà ra đuổi”. “Thời gian qua nhiều dự án nhà ở xây dang dở, chủ doanh nghiệp người trốn nợ, người bị bắt, khách hàng không biết đòi ai”, chị T. nói. Tương tự, dù tiếc dự án ở vị trí đẹp, hồ sơ được chấm hơn 90 điểm, nhưng anh Nguyễn Văn Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) và một số người khác ngậm ngùi đi rút hồ sơ.

Với dự án nhà ở xã hội Ricecity Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội, do Cty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư), chủ đầu tư lại có cách lách khác. Theo đó, Cty CP BIC Việt Nam không huy động dưới dạng đặt cọc, nhưng yêu cầu khách hàng phải nộp trước 20% giá trị hợp đồng. “Để được chọn căn, tầng, chủ đầu tư yêu cầu tôi nộp trước 170 triệu đồng dưới dạng cho vay vốn. Số tiền này sẽ được chủ đầu tư trả dưới hình thức tiền nộp lần 1 sau khi dự án xây xong móng, ký hợp đồng”, anh N.V.L. (xin giấu tên) cho biết.

Một số khách hàng khác đã nộp hồ sơ mua nhà tại dự án này cũng được nhân viên công ty yêu cầu tương tự. Nếu khách hàng không nộp tiền phải đợi bốc thăm, được căn nào mua căn đó.

Trong những ngày qua, tại nhiều dự án nhà ở xã hội khác, PV Tiền Phong cũng nhận được thông tin: Dù khách hàng thu nhập thấp đáp ứng đủ điều kiện mua, nhưng muốn chọn căn hộ ưng ý (hợp hướng, vị trí) phải chi thêm tiền qua “cò”.

Cơ quan quản lý chưa biết?

Trả lời Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đã biết về thông tin chủ đầu tư nhà ở xã hội tìm cách huy động tiền trước của khách hàng. “Huy động như trên là trái luật, tôi đã có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư không được làm như vậy. Nếu chủ đầu tư vẫn cố tình làm, khách hàng có thể kiện ra tòa”, ông Đạm nói.

Trong các thông báo về nhận hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội đều lưu ý: “Chủ đầu tư chỉ được huy động tiền ứng trước, vốn của khách hàng khi đã xây xong phần móng”. Dù vậy, dường như các chủ đầu tư phớt lờ.

Bà Lục Thị Mai Trang, Giám đốc Cty CP BIC Việt Nam giải thích, trước đây có thông báo thu 20% (giá trị hợp đồng) của khách hàng để xây dựng móng. “Nay, không thu bất kể khoản tiền nào nữa. Khi xong móng và ký hợp đồng với khách hàng mới huy động vốn-dự kiến tháng 5/2014”, bà Trang nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, những thông tin trên chưa nắm được, sẽ cho kiểm tra và trả lời sau.

Một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản dẫn chứng 4 dự án chuyển đổi tại TPHCM (dù được UBND cho phép vẫn chưa triển khai được). Trong đó, 1 dự án không tiếp cận được vốn vì vướng nợ xấu; 2 dự án đã khởi công, được ngân hàng cam kết cho vay, nhưng không còn tiền triển khai (trước khi ngân hàng giải ngân); 1 dự án không dám khởi công. Đó là nguyên nhân chính tới ngày 15/12/2013, gói 30 nghìn tỷ đồng mới được ngân hàng giải ngân 205 tỷ đồng cho 6 doanh nghiệp.

Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.