Bộ Xây dựng đang nghiên cứu điều chỉnh một số quy định về nhà thu nhập thấp để giúp loại hình nhà ở này “dễ thở” hơn, như mở rộng đối tượng được mua, rút ngắn thời gian sang nhượng xuống còn 5-7 năm (thay vì 10 năm như hiện nay). Nhiều ngân hàng đã bắt đầu chịu mở hầu bao. Những động thái này khiến nhiều người kỳ vọng vào một sự “lột xác” trong tương lai gần.

Thêm nhiều “đòn bẩy”

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng được ưu đãi mua nhà thu nhập thấp. Theo đó, những người đang ở dưới 10m2 tính trên đầu người cũng được mua nhà.

Nhà thu nhập thấp có thể được giao dịch trên thị trường sau 5-7 năm thay vì 10 năm như quy định. Nếu những đề xuất này được áp dụng, những chế tài được đánh giá là quá chặt của nhà ở thu nhập thấp sẽ được “nới” thêm một chút, tạo điều kiện cho người dân có thể mua nhà và giúp doanh nghiệp cải thiện tình trạng ế ẩm.

Không hẳn ngân hàng không muốn cho vay mà do các doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu. Như việc VDB đã nhận được rất nhiều hồ sơ nhà thu nhập thấp xin vay vốn nhưng đều không đủ điều kiện do doanh nghiệp không đảm bảo được vốn chủ sở hữu 20%, đặc biệt thế chấp không có.

Ông NGUYỄN TRỌNG NINH,
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà
và thị trường B

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều dự án bỏ vốn ra hàng trăm tỷ đồng nhưng khả năng thu hồi vốn và tỷ lệ lấp đầy rất chậm. Tiêu biểu như dự án CT19 Khu đô thị Việt Hưng với tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng xây 515 căn nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 270 căn.

Dự án CT21 khu đô thị Việt Hưng với số vốn 121 tỷ đồng xây 300 căn nhưng TP mới duyệt 178 căn. Dự án Đặng Xá cũng chỉ bán được 650 căn trong tổng số gần 950 căn...

Một vấn đề quan trọng khác doanh nghiệp đang rất bế tắc là nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn được vay nhỏ giọt từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), mới đây, Bộ Xây dựng cũng ký kết thỏa thuận với BIDV phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở công nhân.

Cụ thể, BIDV sẽ dành hạn mức tín dụng 2.000 tỷ đồng trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi (bằng lãi suất của VDB) để hỗ trợ cho các dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp.

Trước mắt, sẽ có một số dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân được hỗ trợ như dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại lô đất N05 thuộc dự án Khu đô thị Đặng Xá 2, Gia Lâm, Hà Nội với khoảng 2.000 căn hộ của Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội Lạc Long Quân tại phường 9, quận Tân Bình, TPHCM do Tổng CTCP Đền bù giải tỏa ký kết hợp đồng nguyên tắc với CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai tài trợ vốn đầu tư xây dựng Khu dân cư cho người có thu nhập thấp TP Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc...

BIDV cũng sẽ tài trợ cho các bên nhà thầu, chủ đầu tư, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà giúp tiết giảm chi phí, xây dựng căn hộ với giá rẻ nhất. Cùng với BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cá nhân vay mua nhà.

Liệu có “thoát xác”?

Trong bối cảnh các chủ đầu tư nhà ở thu nhập thấp đều “đói” vốn, những chính sách thông thoáng hơn của Bộ Xây dựng cùng gói tín dụng của BIDV và các ngân hàng khác được đánh giá như “nắng hạn gặp mưa rào”.

Tuy nhiên, với thực tế tình hình hiện nay, 2.000 tỷ đồng của BIDV chưa thể tác động nhiều. Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy trong 10 dự án nhà ở thu nhập thấp đang triển khai trên địa bàn TP chỉ 1 dự án chưa phát sinh vướng mắc, 9 dự án còn lại đều gặp vấn đề về vốn, thậm chí kể cả các "ông lớn" như Vinaconex, HUD, Viglacera.

Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, rất nhiều dự án nhà thu nhập thấp đã đề xuất được vay vốn trong năm 2012, có nhiều dự án lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thí dụ dự án CT02 khu tái định cư Kiến Hưng (Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đề xuất vay vốn khoảng 300 tỷ đồng; dự án CT3, CT4 khu đô thị Kim Chung (Đông Anh) do Tổng công ty Handico làm chủ đầu tư kiến nghị nhu cầu vay vốn năm 2012 là 30 tỷ đồng; dự án NO10A và NO12-3 khu đô thị Sài Đồng của CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội đề xuất vay vốn 100 tỷ đồng... Ngay cả các "đại gia" như HUD, Viglacera cũng không ngoại lệ.

HUD đề xuất vay vốn năm 2012 cho dự án Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 (Mê Linh) 100 tỷ đồng, Viglacera cũng muốn vay 100 tỷ đồng cho dự án tại lô đất NO5B và NO10B-KĐT Đặng Xá (Gia Lâm)…

Nhu cầu này của doanh nghiệp cùng với 1,6 triệu m2 nhà ở công nhân Hà Nội dự tính triển khai từ nay đến năm 2015 đã khiến gói tín dụng của BIDV trở nên “nhỏ nhoi” so với nhu cầu thực.

Tiền để xây dựng không có cộng thêm với việc nhà thu nhập thấp ế ẩm đã đẩy nhiều chủ đầu tư vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo ông Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua.

Tuy nhiên chủ đầu tư đang sống dở chết dở vì chưa thu hồi được vốn. Đây cũng là lý do cốt yếu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nhà thu nhập thấp, hoặc đã đăng ký dự án nhưng vẫn phải “bỏ của chạy lấy người”.

Trên thực tế, giá nhà thu nhập thấp quá cao là nguyên nhân của việc các dự án này trở nên ế ẩm. Ngoài ra, dù giá chung cư Hà Nội đã giảm rất mạnh theo đà ảm đạm của thị trường, các dự án dành cho người thu nhập thấp vẫn "cố thủ" giữ giá.

Bên cạnh đó, quá nhiều vấn đề vướng mắc đã khiến cho loại hình nhà ở này không thể có sự “vượt thoát” dù đã nhận được sự hỗ trợ về tín dụng và cơ chế.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều hơn về vốn và các chính sách thông thoáng cho người mua.

Mới đây, Hà Nội có đề xuất về loại hình nhà ở “trung gian”, không xin miễn tiền sử dụng đất mà nộp theo khung giá nhà nước và được nới rộng, không bị khống chế về lợi nhuận. Đề xuất này hiện đang được nghiên cứu.

Theo ĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.