“Một điều nổi cộm trong pháp luật Việt Nam hiện nay, đó là chúng ta dùng thuật ngữ “Nhà nước thu hồi đất”. Theo tôi, điều này không phù hợp với Hiến pháp vì hiện chúng ta đã quy định quyền sử dụng đất là tài sản của dân, chắc chắn Bộ luật Dân sự đã quy định, Nghị quyết Trung ương cũng đề cập đến vấn đề này”- Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận xét.
Các vụ cưỡng chế đất luôn cần đến sự hỗ trợ của CSCĐ
Giúp nhà đầu tư lấy đất của người dân
Theo lý giải của GS Võ, nếu quyền sử dụng đất là tài sản của dân thì phải tuân thủ theo Điều 23 của Hiến pháp, nghĩa là Nhà nước không quốc hữu hóa tài sản của dân. Thứ hai, trong trường hợp thật cần thiết dùng tài sản của dân sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì Nhà nước sử dụng quyền trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo thời giá thị trường.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì không được dùng thuật ngữ “Nhà nước thu hồi đất”. Mặt khác, hiện nay Nhà nước thu hồi đất nhưng thu hồi cả cho các dự án sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận của nhà đầu tư thương mại. Việc này càng trái với Điều 23 của Hiến pháp. Pháp luật để cái quyền Nhà nước thu hồi đất quá rộng, mà đã quá rộng có nghĩa là chúng ta đang giúp các nhà đầu tư lấy đất của dân. Đây là điều không phù hợp với Hiến pháp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Tuyệt đối không sử dụng vũ khí, quân đội tham gia cưỡng chế
Việc cưỡng chế thu hồi đất trong công tác giải phóng mặt bằng xuất phát từ quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
Vậy nhưng, nhiều địa phương thời gian qua đã sử dụng cả vũ khí nóng và lực lượng công an, quân đội tham gia cưỡng chế, gây sức ép và tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.
Chính bởi vậy, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa qua, Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương khi lên phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư phải mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân tham gia ý kiến, kiên trì vận động người dân chấp hành.
Trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế thu hồi cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật; tuyệt đối không sử dụng vũ khí, không sử dụng lực lượng Quân đội tham gia cưỡng chế.
Không chỉ vậy, Việt Nam thu hồi đất (trong trường hợp thu hồi cho mục đích quốc gia, công cộng chứ không nói đến mục đích thương mại) thì cách thức bồi thường bằng tiền của chúng ta cũng không ổn. “Ta làm chưa hợp lý nên dẫn tới chuyện phẫn nộ của người dân. Dù họ nhận được tiền tính theo giá thị trường nhưng tương lai của người nông dân như thế nào thì lại không tính được. Rồi đến lúc dự án đó sẽ không thể phát triển được nếu sự ủng hộ của người dân, của cộng đồng dân cư tại chỗ không có.
Đây là tính quy luật của xã hội. Ngay như vụ cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Ecopark (Văn Giang- Hưng Yên), dù quy trình đúng pháp luật (nếu có sai chỉ là sai ở những tiểu tiết rất nhỏ), nhưng bản thân nó vênh là vênh tại pháp luật.
Người nông dân bị lấy hết đất, bị đẩy ra ngoài khu đô thị đó, vậy thì người ta có ủng hộ cho khu đô thị đó tiếp tục hay không?. Liệu khu đô thị có đảm bảo tính bền vững trong tương lai hay không? Tôi đảm bảo là không! Ngày xưa, Bác Hồ dạy là đi đến đâu phải “ba cùng” với dân, công tác dân vận phải đặt lên hàng đầu, vậy mà bây giờ đầu tư lại gạt dân ra khỏi dự án đầu tư thì làm sao gọi là dân vận được”- GS. Võ phân tích.
Cần cơ chế “Nhà nước trưng mua đất”
Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên, theo GS. Đặng Hùng Võ, cần phải chuyển cơ chế Nhà nước thu hồi đất thành cơ chế Nhà nước trưng mua đất. Bên cạnh đó, phải khoanh phạm vi nhà nước trưng mua đất chỉ được áp dụng trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh; không được sử dụng cho các dự án đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư.
Trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có gắn với đầu tư phát triển (như mở một khu đô thị mới, khu dân cư mới hay phát triển hạ tầng giao thông...) mà dùng cơ chế Nhà nước trưng mua đất thì không được áp dụng giải pháp đầu tiên là bồi thường bằng tiền một lần; phải áp dụng giải pháp đưa người dân bị thu hồi đất vào tham gia dự án, đưa họ trở thành trung tâm của dự án ấy. Hay nói cách khác là phải đổi đất được sử dụng theo mục đích mới bằng đất bị thu hồi.
Bản thân dự án làm tăng giá trị đất thì người dân phải được hưởng sự tăng giá trị đó, không thể toàn bộ giá trị gia tăng này nhà đầu tư đều được hưởng.

“Theo Nghị định 84, cơ chế hỗ trợ bằng đất dịch vụ hoặc đất ở là bắt buộc, nhưng Nghị định 69 thì nói rằng cái đó có thể được áp dụng nếu địa phương có đất. Nhưng một cơ chế như Nghị định 69 thì chắc chắn 100% được bồi thường bằng tiền.

Tại sao có chuyện bồi thường bằng tiền trong khi luật cho phép có thể bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường bằng đất? Vì nếu hỗ trợ bằng đất thì địa phương phải lo đất cho dân, nhưng khi bồi thường bằng tiền thì UBND nhẹ gánh nhất, trách nhiệm về tiền thì nhà đầu tư phải bỏ ra. Địa phương chỉ ban hành vài quyết định liên quan, ngoài ra chẳng phải lo điều gì cả...

Dù được ban hành sau nhưng theo tôi, quy định này lại là điểm “tối” so với Nghị định 84”.

70% khiếu nại liên quan đến đất đai
Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 – 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư.
Đáng chú ý, nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai chiếm 70%, trong đó nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội; khiếu nại việc chính quyền dùng vũ lực để cưỡng chế đất đai...
Riêng Báo PLVN, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hàng ngàn đơn thư của bạn đọc khắp cả nước gửi về (qua đường bưu điện và bạn đọc trực tiếp đến Tòa soạn). Và có tới 85% nội dung đơn bạn đọc khiếu nại, tố cáo về vấn đề đất đai: quyết định thu hồi đất không đúng, giá bồi thường quá thấp, không công bằng; tình trạng dự án “treo” quá nhiều và diễn ra quá lâu, khiến dân vừa mất đất sản xuất, vừa ô nhiễm môi trường...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, thường xuyên thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán ra; thậm chí cùng một dự án nhưng giá bồi thường, hỗ trợ lại khác nhau và vênh nhau khá nhiều...
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lòng lẻo; nhiều cán bộ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích, hài hòa ngay từ cơ sở; chưa tập trung giải quyết khiếu kiện ngay từ đầu. Công tác giám sát của cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đã thừa nhận rằng, khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn phức tạp là do nhiều địa phương áp dụng sai quy định của pháp luật trong vấn đề đất đai; một bộ phận không nhỏ cán bộ vụ lợi, thiếu công tâm, chia chác đất đai.
Trước thực trạng này, làm việc với các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: việc thu hồi đất phải thực hiện chặt chẽ, phải căn cứ quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết.
Đặc biệt, việc thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch từ bước quy hoạch đến phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phải được thẩm định, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế và phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đa số người dân.
Theo PLVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.