Ông Nguyễn Viết Hướng (Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh) cho rằng, việc hàng trăm ngôi nhà được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại địa bàn thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội tồn tại từ năm 1988 đến nay.

Những ngôi nhà kiên cố “mọc” trên đất nông nghiệp

Vậy, vì sao gần 30 năm qua, khi những ngôi nhà cũ chưa được xử lý thì những ngôi nhà mới cao tầng vẫn đua nhau “mọc” lên hàng loạt? Phải chăng là do năng lực quản lý yếu kém của chính quyền địa phương hay do những hành vi tiêu cực nhằm “bảo kê” cho những vi phạm này?

Cán bộ “bật đèn xanh” cho dân xây dựng?

Phản ánh đến Báo PLVN, một số người dân ngụ tại thôn Ngãi Cầu cho biết, suốt thời gian dài vừa qua, hàng trăm ngôi nhà cao tầng ngang nhiên thách thức pháp luật, đua nhau “mọc” trên đất nông nghiệp. Những ngôi nhà không phép này trải khắp toàn thôn nhưng tập trung chủ yếu ở khu ruộng Gò Dài, Cổng Bắc, Cổng Trổ, Vườn Ươm, Đồng Biền, khu vực xung quanh Trường THPT Hoài Đức B và 2 bên quốc lộ 423 (đường 72 cũ)…

Người dân cũng đã nhiều lần gửi đơn phản ánh về thực trạng trên tới các cơ quan chức năng. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao chính quyền không vào cuộc giải quyết dứt điểm, các ngôi nhà mới vẫn tiếp tục được xây dựng khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc trong nhân dân.

Một người dân trú tại thôn Ngãi Cầu cho rằng: “Có nhiều căn hộ đã được xây dựng trên đất nông nghiệp vì đất này mua rẻ, lại được cán bộ “bật đèn xanh” cho nên người dân cứ thế xây dựng ồ ạt. Thậm chí, có rất nhiều người ngoại tỉnh về đây mua đất nông nghiệp rồi chỉ cần biết “lót tay” cho chính quyền là làm được thôi”.

Đến thôn Ngãi Cầu, phóng viên không khỏi ngạc nhiên vì hỏi bất cứ ai từ già đến trẻ, họ đều có thể chỉ chỗ bán đất nông nghiệp. Không chỉ vậy, họ còn kể vanh vách cách “đi đêm” với cán bộ như thế nào để được thoải mái xây dựng nhà cửa kiên cố mà không bị chính quyền “sờ gáy”.

Một bác bán hàng nước cạnh Trường THPT Hoài Đức B cho biết: “Mua đất thì dễ nhưng lúc làm cũng hơi khó, cháu phải biết cách làm thì mới làm được. Nếu như cháu ở nơi khác đến đây thì mua đất xong nhờ một người quen ở làng đến nói chuyện với trưởng thôn, xong lên nói với xã, mà phải gặp cán bộ địa chính về đất cát đấy, chứ gặp sai người là cũng không làm được đâu. Nếu không nói với xã thì cứ thế mà làm, khi nào xã biết xuống thì nộp phạt song họ cho xây tiếp. Nhà nào không biết đường nộp phạt thì xã tịch thu chứ đây là xây dựng trái phép, ai để cho làm không bao giờ. Nhà cạnh nhà bác đây, ngày trước làm cũng mất đến 200 triệu đấy. Mỗi nhà xã phải xuống 5 - 7 lần. Cố mà làm cho nhanh, dựng được cái mái lên là họ không phạt nữa”.

Theo quan sát của phóng viên, những dãy nhà không phép chạy dài hàng cây số, nằm san sát nhau. Những thửa đất nông nghiệp 2 vụ lúa đã được người dân nơi đây biến thành một khu dân cư sầm uất. Hiện nay, nơi đây không chỉ là nơi sinh sống của người dân mà còn đã trở thành một nơi buôn bán, kinh doanh tấp nập. Thậm chí, nhiều nhà còn xây dựng cả phòng để cho thuê. Những ngôi nhà này được xây dựng rất đa dạng, từ nhà cấp 4 đến nhà 2, 3 tầng thậm chí lên đến 5, 6 tầng. Nhìn ngoài thì không ai có thể nghĩ đây là nhà xây dựng không phép.

Chính quyền “bất lực” hay “bảo kê”?

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Nguyễn Huy Hoán (Chủ tịch UBND xã An Khánh) thừa nhận, việc người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn thôn Ngãi Cầu là có. Tuy nhiên, thực trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay, qua nhiều thế hệ lãnh đạo nên rất khó giải quyết.

Vì sao không xử lý dứt điểm những công trình đã sai phạm trong suốt thời gian qua? Ông Hoán lý giải: “Có nhà xã phát hiện kịp thời nhưng có nhà phát hiện chậm. Mà khi phát hiện, xã xuống thì cũng chỉ cưỡng chế, dỡ được đến phần móng thôi chứ làm sao mà có phương tiện múc cả móng đi được. Có nhà thì dỡ xong họ cứ để móng đấy rồi lợi dụng đêm tối hoặc những lúc xã, huyện có việc tập trung lớn thì họ tiến hành làm khẩn trương. Khi xã xuống thì họ lợp mái rồi nên thủ tục rất khó khăn, phức tạp”. Phải chăng, chính quyền xã đang “bất lực” trước hàng loạt vi phạm này?

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Hoán cho rằng: “Nguyên nhân chính là do khâu quản lý lỏng lẻo của chính quyền xã. Và do nhu cầu bức bách về đất ở của người dân. Vì từ năm 1988 đến nay thì không có cấp đất ở mà dân số lại phát triển, chủ yếu là dân địa phương. Sau này, cũng có những trường hợp ngoại tỉnh chuyển đến”.

Bức xúc trước việc buông lỏng quản lý về đất đai của chính quyền địa phương và việc những diện tích đất 2 lúa ngày càng bị băm nát để nhường chỗ cho những ngôi nhà trái phép “mọc” lên, người dân đã có rất nhiều đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Hoài Đức cũng đã có các buổi làm việc để giải quyết đơn tố cáo của công dân, song rồi sự việc lại rơi vào im lặng mà không có bất cứ câu trả lời nào cho người dân.

“Bao nhiêu năm nay chúng tôi gửi đơn từ Trung ương đến địa phương, đều có giấy tiếp nhận đơn thư, đã làm việc với UBND huyện Hoài Đức nhưng làm việc để mà làm việc thôi, xong người ta lại làm “ngơ”. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được một văn bản trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng”, một người dân ngụ thôn Ngãi Cầu bức xúc cho biết và đề nghị UBND huyện Hoài Đức, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý dứt điểm những vi phạm này.

Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Linh Anh - Phan Mơ (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.