Hiện nay cả nhà để xe ngầm và cao tầng ở TP.HCM đều ở thế mắc kẹt, trong khi diện tích đậu, để xe ngày càng thiếu trầm trọng.

Tháng 8-2010, dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư được động thổ. Dự án có vốn đầu tư trên 100 triệu USD, gồm một bên là năm tầng hầm có sức chứa khoảng 2.000 xe máy, 1.250 ô tô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm để làm thương mại.

Đi ngầm cũng tắc…

Sau nhiều lần chỉnh sửa, cập nhật đến đầu năm 2014, dự án mới được duyệt thiết kế cơ sở. Theo ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc IUS, sau khi có thiết kế cơ sở, IUS sẽ phải lập và trình duyệt thiết kế kỹ thuật mất khoảng một năm nữa. “Chưa kể IUS còn phải “chạy” giấy phép xây dựng. Như vậy phải đến năm 2015 mới có thể bắt đầu triển khai xây dựng được và đến năm 2018 may ra mới xây dựng xong, đưa vào sử dụng, thay vì là năm 2013 như kế hoạch trước đây!” - ông Lê Tuấn cho biết.

Cùng cảnh với IUS là Tập đoàn Đông Dương, chủ đầu tư hai dự án bãi đậu xe ngầm Hoa Lư và sân khấu Trống Đồng. Từ tháng 12-2012, sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế cơ sở để trình các sở, ngành với hy vọng dự án sẽ được khởi công trong năm 2013 nhưng đến nay hai công trình này vẫn nằm im. Những vướng mắc về việc tính giá thuê đất vẫn là nguyên nhân khiến dự án này chưa thể thông.

Nhà để xe cao tầng ở đường Võ Văn Kiệt khai trương rồi lại đóng cửa vì cơ chế. Ảnh: LĐ

Lên cao cũng kẹt

Sáng 17-5-2014, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) khai trương khu nhà để xe cao tầng và văn phòng cho thuê tại 326 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1. Đây là khu nhà để xe cao tầng được triển khai xây dựng từ năm 2012 nhằm đột phá gỡ cảnh thiếu nơi để xe trong khi tám dự án bãi ngầm đang bị kẹt bởi cơ chế...

Khu nhà cũng là mẫu hình kết hợp giữa kinh doanh cho thuê văn phòng với dịch vụ công ích. Trong tổng diện tích sàn xây dựng của hai khu nhà là 47.760 m2 thì khối nhà để xe có 10 tầng có tổng diện tích 32.055 m2. Với năm thang máy có sức nâng hơn 3,5 tấn cho phép đưa các loại xe du lịch từ dưới bảy chỗ lên chín tầng. Riêng tầng hầm để dành cho các loại xe 9-16 chỗ. Sức chứa của toàn bộ tòa nhà để xe là 1.000 chiếc, diện tích đậu cho mỗi xe là 25 m2.

Theo thông tin từ Samco, sau hai tuần mở cửa thì khối nhà văn phòng cho thuê với tám tầng có tổng diện tích hơn 15.700 m2 đã đầy chỗ, còn khối nhà 10 tầng để xe thì vẫn phải... đóng cửa! Lý do còn chờ phê duyệt giá giữ xe. Theo các cơ quan chức năng, hai khối nhà là công trình phức hợp nhưng có hai công năng tách biệt ở từng khối nhà. Do đó, giá giữ xe ở khối nhà 10 tầng phải theo quy định về phí hiện hành, không thể để giá theo thị trường như ở các tòa cao ốc có tầng hầm để xe riêng...

Nên có chính sách nhất quán

Chuyện tòa nhà 10 tầng để xe của Samco đã khai trương rồi lại phải đóng cửa đặt ra câu hỏi: Sao khi đã cho chuyển hướng xây dựng nhà để xe từ tầng hầm chuyển sang cao tầng thì không cho luôn chủ trương về giá, phí dịch vụ để phát huy hiệu quả công trình, sớm giải quyết nạn kẹt xe, thiếu chỗ đậu ở TP?

Có ý kiến chuyên gia cho rằng: Chuyện cho, không cho giật cục như trên là sự lặp lại ở chính sách thiếu nhất quán, rõ ràng với các dự án bãi xe ngầm. Cụ thể, theo Nghị định 44/2008, dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm không thuộc đối tượng được miễn thu tiền sử dụng đất. Đến Nghị định 39/2010 quy định về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị thì lại đề cập: Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước được Nhà nước cho thuê đất được xem xét miễn hoặc giảm tiền thuê đất đối với trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị không nhằm mục đích kinh doanh (tức bãi để xe ngầm). Theo các chuyên gia, các cụm từ không dứt khoát như “xem xét miễn hoặc giảm” hoặc “cho, không cho” chỉ để làm khổ các nhà đầu tư bãi đậu xe (cả ngầm và cao tầng).

Lưu Đức - Hoàng Tuyên (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.