"Nhà cổ cần bảo tồn nguyên vẹn có thể được hỗ trợ tối đa 700-800 triệu đồng, nhà truyền thống có mức hỗ trợ 100-200 triệu đồng", ông Nguyễn Quang Sơn, Bí thư thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trao đổi với VnExpress ngày 25/6.

- Sau hơn một tháng gửi đơn xin rút danh hiệu làng cổ, ông nhận thấy tâm tư người dân Đường Lâm như thế nào?

- Sau vụ việc, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, từ Bí thư Thành ủy về địa phương chỉ đạo trực tiếp, các sở ngành vào cuộc, thị xã cũng thường xuyên họp bàn về cơ chế, chính sách. Người dân đã hiểu được điều đó, nhận thấy đây là di tích quan trọng, là di tích sống. Tuy nhiên, cũng có người chưa thật sự yên tâm, mong chính quyền sớm triển khai các quyết định có hiệu quả.

- Thị xã đã đề xuất cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ người dân?

- Quy hoạch bảo tồn làng cổ đang được hoàn thiện, có thể thành phố sẽ phê duyệt trong tháng 7. Các dự án mà người dân quan tâm như trường học, di tích đã được đưa vào kế hoạch để triển khai. Trường hợp tái định cư đã được xác định vị trí, đang được lấy ý kiến nhân dân. Tất cả thủ tục phải theo quy trình nên không thể bỏ bớt được.

Chúng tôi cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ nhà cổ loại 1, loại 2, loại 3. Với nhà cổ thì phải hỗ trợ 100% để bảo tồn nguyên vẹn, có thể tới 700-800 triệu đồng, gồm khung nhà, vật liệu, gỗ, cấu kiện. Nhà truyền thống thì có thể hỗ trợ vật liệu, chi phí ít hơn, khoảng 100-200 triệu đồng. Trước đây chúng tôi đã tu sửa 10 nhà từ ngân sách thành phố, có nhà đã được hỗ trợ tới 800 triệu đồng.

UBND thị xã đã tính toán tổng chi phí 500 tỷ đồng, bao gồm các dự án cần triển khai, cả đề án giãn dân, hỗ trợ dân trong giai đoạn đầu. Trong đó, ngân sách hỗ trợ người dân sửa nhà là khoảng 20-30 tỷ đồng, từng di tích có chi phí tu sửa riêng, trung bình khoảng 20 tỷ.

Bên cạnh những ngôi nhà cổ, Đường Lâm có những ngôi nhà hai tầng. Ảnh: Hoàng Hà.

- Trong dự thảo quy hoạch đã xác định không được xây nhà 2 tầng trong khu vực trung tâm (làng Mông Phụ), vậy nhu cầu sửa chữa nhà của người dân sẽ được giải quyết như thế nào?

- Nhìn chung người dân làng cổ mong muốn được xây dựng nhà 2 tầng để đáp ứng nhu cầu ở, song để bảo tồn di tích cần phải theo Luật di sản văn hóa. Không chỉ bảo tồn di tích mà cả cảnh quan, không gian. Nếu cho phép xây 2 tầng thì chắc chắn phá vỡ cảnh quan nên chúng ta phải xác định có những việc nhân dân đề nghị nhưng chưa phù hợp với Luật di sản thì phải tuyên truyền. Tôi tin rằng người dân sẽ hiểu được vì mục đích là bảo tồn.

Theo quy chế giãn dân thì sẽ có quy định cụ thể hộ bao nhiêu khẩu sẽ phải giãn dân và được cấp đất giãn dân. Với các nhà trong diện phải phá dỡ cũng sẽ được hỗ trợ tu sửa.

- Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng phải mua đất và chi phí xây dựng nhà tại nơi ở mới trong khi điều kiện kinh tế khó khăn?

- Người dân Đường Lâm nghèo nên thời gian qua họ chưa có điều kiện xây dựng nhiều, nếu dân giàu có thì giờ đây không còn làng cổ. Phần lớn dân chỉ sửa chữa nhỏ, đảo ngói, chống dột, nên cảnh quan làng cổ được bảo tồn. Song vì nghèo nên nếu cấp đất chỗ mới mà không có hỗ trợ thì người dân rất khó khăn.

Theo tôi, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ như đầu tư làm hạ tầng, người dân chỉ mất tiền đất. Ví dụ 100 m2 đất nông thôn giá là 70 triệu đồng, người dân sẽ phải nộp tiền đất trong một thời gian nào đó. Ngoài ra người dân sẽ vẫn phải bỏ tiền làm nhà khoảng 200 triệu đồng.

- Sau sự việc ở làng cổ Đường Lâm, ông có thể rút ra bài học gì từ công tác quản lý, bảo tồn di tích làng cổ?

- Tôi nhận thấy công tác quản lý di tích Đường Lâm thời gian qua còn nhiều bất cập. Qua sự việc này cho thấy công tác quản lý di tích cần được thành phố quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là di tích lớn, di tích đặc biệt vì thị xã không đủ nguồn lực, khả năng quản lý để triển khai. Bảo tồn làng cổ Đường Lâm là một vinh dự đối với thị xã Sơn Tây, chúng tôi tin rằng bà con làng cổ sẽ ủng hộ để cùng chính quyền thực hiện tôn tạo, bảo tồn, từng bước thực hiện công việc tu bổ, đưa di sản này trở thành di sản quốc gia đặc biệt và di sản thế giới.

Đoàn Loan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.