Nằm trong danh sách điểm nóng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TPHCM năm 2014 do ở gần cửa sông, tiếp giáp với biển nên những năm gần đây hiện tượng này xảy ra thường xuyên tại huyện, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.Trong khi đó, nhiều công trình chống sạt lở tại đây đã được triển khai từ lâu nhưng tiến độ thi công chậm khiến người dân luôn sống trong thấp thỏm.


Dù đã bao đất, tôn nền nhưng khi mưa to hay triều cường vẫn ngập

Các điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng nằm trong khu dân cư là: kênh Cây Khô, rạch Ông Lớn 2, sông Phước Kiểng, rạch Tôm (nhánh Phú Xuân), sông Mương Chuối, rạch Dơi - sông Kinh, rạch Giồng, tắc Mương Lớn, rạch Giồng Chồn, nhất là đoạn từ ngã ba kênh Cây Khô đến tắc Bến Rô thuộc xã Phước Lộc dài 250m có nhiều nhà dân sinh sống sát mép bờ. Ở các xã Hiệp Phước, Phước Lộc, Phước Kiển, Nhơn Đức... càng nguy hiểm hơn vì người dân ở sát bờ sông, kênh, rạch. Mặc dù các hộ đã dùng bao cát làm đê chống sạt lở nhưng chỉ cần mưa to hay triều cường dâng cao thì tất cả đều ngập!

Ngang qua đoạn ở cầu Phước Lộc mới cảm nhận được nổi khổ của người dân đang nằm trên miệng... hà bá! Có nhà nước dâng cao đã sập xuống tự lúc nào, nước ngập tới đường vậy mà các hộ sát bên vẫn phải sinh hoạt bình thường. Nhà bà Nguyễn Thị Phái, ở ấp 2, xã Phước Lộc nằm đoạn cuối sát bờ sông Long Kiểng bị nước bào mòn một phần nền. Bà lắc đầu: "Nhà cô còn đỡ chứ những hộ phía sau bị nước và bùn nhấn chìm hết rồi". Mặc dù vậy nhưng chẳng còn nơi để đi, có hộ cố đóng kè tràm, bao đê giữ đất nhưng chỉ được một thời gian, sông tiếp tục cuốn trôi tất cả!

Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, một số công trình của huyện chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật do vướng mặt bằng, hiện Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đang đề nghị UBND thành phố điều chỉnh tăng quy mô và mức đầu tư công trình từ 5 tỷ lên 15 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Thoảng - Phó trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè: "Hiện chúng tôi đã kiểm kê, xác minh hoàn chỉnh về các dự án sạt lở của huyện nhưng do có thay đổi về Luật bồi thường đất đai nên vẫn đang chờ ý kiến thành phố rồi mới thực hiện các bước còn lại. Với những hộ có nguy cơ sạt lở cao chúng tôi đã kiểm tra, nếu được thì vẫn cho định cư chờ duyệt giá bồi thường. Ở dự án sông Mương Chuối, có tổng cộng 18 hộ, chúng tôi đã vận động bàn giao 17/18 hộ để thi công bờ kè, hoàn thành 90% chỉ tiêu...".

Ông Bạch Ngọc Tuấn Tú - Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Đức cho biết: "Đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao, UBND xã đã vận động người dân di dời. Trường hợp có đất nơi khác thì hỗ trợ về thủ tục xây dựng, xin gắn điện kế, thủy kế; các trường hợp còn lại báo cáo UBND huyện xin bố trí tái định cư vào khu đất công do xã quản lý. Các hộ ở khu vực đặc biệt nguy hiểm mà không chịu di dời, xã sẽ báo cáo huyện cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân, tuyệt đối không cho phép xây nhà kiên cố tại những khu vực đã xây bờ kè nhằm giảm nguy cơ sụt lún dẫn đến sạt lở".

Kim Sang (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.