Lãi suất vàng phổ biến 3% một năm nhưng lợi tức giữ hộ được một số ngân hàng đẩy lên vượt 4% trước khi quy định ngừng huy động có hiệu lực từ 1/5.

Nhân viên một phòng giao dịch Ngân hàng Phương Nam cho biết, lãi suất gửi vàng tại đây đang tăng nhẹ so với trước. Cụ thể, gửi từ 10 lượng trở lên, khách được nhận lãi suất 3,5% một năm. Mức cao nhất là 4,2% cho khách hàng trên 50 tuổi, gửi từ 70 lượng vàng. Mức lãi suất này áp dụng với vàng của SJC. Riêng vàng của thương hiệu khác, lãi tối đa chỉ 0,5% một năm.

Đông Á cũng nhận gửi vàng với lãi suất 3,5% kỳ hạn 1 tháng, từ 2 tháng trở lên là 3,6% một năm, tăng 0,6- 0,7% so với trước. Theo lời nhân viên ngân hàng này, đến 1/5, việc huy động vàng sẽ chấm dứt, nếu có nhu cầu, khách nên gửi sớm để được hưởng lãi suất cao như hiện tại.

Nam Á đang huy động chứng chỉ vàng với lãi suất niêm yết cao nhất 3,4% một năm (1 - 3 tháng). Kỳ hạn dài hơn, lãi dao động 1,6 đến 2,2%. Nhân viên Nam Á Bank cho biết, đơn vị này đang áp dụng song song giữ hộ và gửi vàng huy động bằng chứng chỉ. Đến ngày 1/5, ngân hàng sẽ có biểu lợi tức giữ hộ mới. Anh này thông tin, dù lợi tức giữ hộ cao hay thấp hơn, nhà băng này vẫn giữ nguyên quy định cũ: Khách gửi vàng nhờ giữ hộ mà rút trước hạn không được hưởng lãi mà còn mất phí 0,05%.

Một số đơn vị đã dừng huy động vàng và chuyển sang giữ hộ từ cách đây cả tháng, gần đây cũng tăng lợi tức giữ hộ. Tại Ngân hàng hợp nhất SCB, lợi tức giữ hộ vàng cao nhất đang là 4,6% một năm, cao hơn 1,1% so với mức 3,5% áp dụng trước đó. Mức cao nhất này áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Với 1 tháng, lợi tức giữ hộ là 4,05%, 2 tháng là 4,1%, 3 tháng 4,2%... cao nhất là 18 tháng 4,6%. "Gửi vàng kiểu giữ hộ, khách được rút linh hoạt hơn so với gửi kiểu chứng chỉ, vì chỉ cần báo trước cho ngân hàng mà không phải đợi đến khi đáo hạn", nhân viên nhà băng này chia sẻ.

Tuy vậy, khi gửi vàng, ngoài lựa chọn kỳ hạn giữ hộ, khách hàng còn phải đăng ký thời hạn rút lãi và chỉ lĩnh cuối kỳ mới được hưởng các mức tối đa nói trên. Chị này giải thích, khách gửi vàng kỳ hạn 18 tháng và đăng ký 3 tháng lĩnh lãi 1 lần, thì lợi tức nhận được cao nhất chỉ là 4,2% (mức lợi tức của kỳ hạn 3 tháng). Còn nếu 1 tháng nhận lãi 1 lần, mức lợi tức tương ứng chỉ 4,05% một năm. Chỉ khi đăng ký gửi 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, khách mới được hưởng lợi tức tối đa là 4,6%.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng nâng lãi suất vàng để thu hút người dân gửi thêm là bình thường, vì huy động vàng sắp bị cấm. Mặt khác, khi người dân vẫn có nhu cầu đầu tư vào vàng bên cạnh tiền đồng và USD, ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng bằng dịch vụ. "Nguyên tắc đầu tư ai cũng biết là 'không bỏ hết trứng vào một giỏ' mà sẽ phân ra một tỷ lệ nhất định chẳng hạn 60% vào VND, 40% còn lại chia đều cho vàng, USD", ông nói.

Ông Hiếu cũng nhận định, giữ hộ tài sản (trong đó có vàng) là một dịch vụ của ngân hàng. Theo nguyên tắc, người có tài sản đem gửi phải trả phí cho nhà băng. Việc một số ngân hàng giữ vàng cho khách lại trả lợi tức cao, cũng không loại trừ là một kiểu huy động biến tướng.

Cấm huy động và cho vay bằng vàng là chủ trương được Ngân hàng Nhà nước quy định trong Thông tư 11 ban hành cuối tháng 4/2011. Theo đó, từ 1/5/2011, các ngân hàng đã phải chấm dứt cho vay bằng vàng nhưng vẫn được huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ ngắn hạn. Từ 1/5/2012, việc huy động vốn bằng vàng phải chấm dứt hoàn toàn.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.