Giáo sư Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trò chuyện với Tiền phong về câu chuyện “người cày có ruộng” - một khẩu hiệu có sức hiệu triệu và góp phần lớn sức mạnh làm nên Cách mạng Tháng Tám, đồng thời đề cập tới vấn đề đất đai vốn đang rất nóng trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư Đặng Hùng Võ.

Thưa ông vấn đề ruộng đất và nông dân, hay rộng hơn nữa là vấn đề Tam nông trong thời điểm này không chỉ đơn giản là “người cày có ruộng”?

Người nông dân rất cần đất đai, chính đất đai đã tạo nên động lực về chính trị, quân sự và kinh tế trong suốt thời gian qua. Đến nay, người nông dân không chỉ cần đất mà còn cần sự ổn định, lâu dài trong sử dụng đất để tự tư duy trên thửa đất của mình.

Hiến pháp đã khẳng định điều này. Nhưng trên thực tế, người nông dân vẫn đang chịu áp lực của thời hạn sử dụng đất.

Ruộng đất họ có trong tay chỉ được sử dụng với thời hạn 20 năm và đến năm sau thì thời hạn này kết thúc. Hàng loạt nông dân đã đặt ra câu hỏi rằng đến năm 2013 thì chúng tôi sẽ làm gì?

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã có kết luận rằng đến năm 2013 sẽ không có chuyện thu lại đất đã giao để chia lại, ai có đất thì vẫn được tiếp tục sản xuất theo thời hạn mới nếu có nhu cầu, không vi phạm pháp luật và phù hợp quy hoạch.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra thời hạn mới là 50 năm. Quốc hội sẽ xem xét và quyết định, cũng có thể dài hơn nữa nhưng vẫn còn thời hạn.

Điều quan trọng hơn là người nông dân cần luật pháp cho biết khi hết thời hạn tiếp theo thì đất đai sẽ được xử lý như thế nào: tiếp tục sử dụng hay bị thu để chia lại.

Về mặt diện tích, người nông dân cũng mong muốn sao cho hạn điền của mình rộng hơn. So với Luật Đất đai năm 1993, hạn điền theo Luật Đất đai năm 2003 đã tăng gấp đôi.

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đưa hạn điền lên mức không vượt quá 10 lần, còn chính xác là bao nhiêu thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể cho từng giai đoạn.

Nhưng người nông dân rất cần biết rõ chế tài nào sẽ áp dụng khi họ có đất vượt hạn điền, đó mới là yếu tố bảo đảm sự ổn định. Khi vượt hạn điền thì Nhà nước thu hồi, hay phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước, hay phải đóng thuế cao hơn, v.v.

Nói chung, ý kiến của rất nhiều nông dân hăng say nghề nông rất muốn xóa bỏ đi thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp để sử dụng đất ổn định về cả thời gian cũng như không gian.

Từ đó, người nông dân có thể tính tới đầu tư chiều sâu, đầu tư dài hạn vào đất đai, khả năng tăng cao cả về năng suất và sản lượng.

Tất nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc xóa bỏ thời hạn và hạn điền có thể dẫn tới tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, hình thành lớp địa chủ mới sống bằng phát canh thu tô.

Những lo ngại này là đúng, nhưng chúng ta hãy sử dụng các chế tài khác để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp và phát canh thu tô.

Phải chăng hạn thời hạn sử dụng đất cũng như hạn điền hiện tại là yếu tố kìm hãm năng suất và chất lượng của nền nông nghiệp nước ta?

Khi pháp luật đã quy định rõ ràng, hợp lý thì người nông dân sẽ yên tâm chăm lo cho ruộng đất của mình. Họ sẽ tìm mọi cách để tạo ra năng suất, sản lượng, chất lượng cao hơn.

Nói rằng thời hạn và hạn điền kìm hãm năng suất và sản lượng thì chưa đúng, nhưng thời hạn, hạn điền và những chế tài không rõ ràng khi hết thời hạn và vượt quá hạn điền sẽ làm mất đi động lực phát triển, không đủ điều kiện để tạo ra năng suất, sản lượng, chất lượng cao.

Quá trình công nghiệp hóa đã đẩy rất nhiều nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, hiện tượng nông dân mất đất trở nên báo động và gây nhiều hệ lụy. Theo ông đó điều tất yếu của phát triển hay chúng ta có thể tránh được bằng cách tiếp cận khác?

Về cơ chế tiếp cận đất đai trong công nghiệp hóa của nước ta, theo tôi cần có những điều chỉnh rất cơ bản. Một là quy hoạch sử dụng đất phải chỉ ra những vùng nông nghiệp ổn định không bị chuyển sang làm phi nông nghiệp; hai là người nông dân phải được tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, họ có quyền được hưởng lợi từ quá trình đầu tư phát triển, họ không thể bị lấy đất, cầm tiền rồi bị đẩy đi nơi khác.

Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, v.v. người ta làm rất tốt việc tạo động lực đầu tư phát triển ngay từ người nông dân có đất ở địa phương.

Cơ chế áp dụng là nếu thu hồi 100m2 đất nông nghiệp của nông dân thì họ được nhận 10m2 đất ở ngay tại đô thị đó; từ đó, người nông dân rất gắn bó với sự hình thành và phát triển của đô thị đó.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất là đòi hỏi bức thiết.

Chúng ta đã bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Vấn đề đất đai đang cần một tư duy mới?

Một tư duy mới mà chúng ta cần tới là vấn đề công nhận giá trị thực của đất trên thị trường, công nhận trong hệ thống pháp luật và công nhận trong thực tế quản lý.

Trong thời kì bao cấp, giá trị đất đai là bằng không vì đất đai không có giá. Luật Đất đai 1987 đã quy định là đất không có giá.

Mãi tới Luật Đất đai 2003, chúng ta mới công nhận giá trị đất đai hình thành trên thị trường. Như vậy kể từ khi Đổi Mới, từ tư duy đất đai không có giá trị cho đến khi chúng ta chấp nhận giá trị đất đai trên thị trường phải mất 17 năm.

Việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của người dân và công nhận giá đất trên thị trường là một cách làm tăng giá trị tài sản quốc gia. Chúng ta đừng coi đó là việc mang lại lợi ích cho từng người mà phải coi đó là cách mang lại lợi ích cho cả dân tộc. Từ đất đai với giá trị thực trên thị trường, có thể thực hiện vốn hóa để có vốn đầu tư. Người ta gọi đây là quá trình biến vốn tĩnh trong đất đai trở thành vốn động bằng tiền.

Hiện nay, riêng trên địa bàn Hà Nội, có rất nhiều dự án đất đã cấp nhưng lại bỏ hoang một thời gian dài, và chính quyền đang muốn thu hồi lại. Theo ông thu hồi có phải là biện pháp tối ưu để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất?

Cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với đất của các dự án “treo” trong pháp luật của ta nghe có vẻ mạnh nhưng sự thực là thiếu sức sống. Khi nhà đầu tư đã nhận đất thì họ phải trả tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, sau đó là một số đầu tư tối thiểu như quy hoạch chi tiết, san nền, xây tường rào.

Khi Nhà nước thu hồi đất “treo” thì phải trả lại tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất và những tiền đã đầu tư trên đất cho nhà đầu tư. Việc xuất ngân sách ra là khó, vậy cơ quan nhà nước lại phải tìm một nhà đầu tư khác chịu xuất tiền trả nhà đầu tư trước để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư.

Lúc bình thường việc này đã khó, lúc kinh tế khó khăn thì việc này gần như bất khả thi. Để tăng hiệu quả trong xử lý các dự án “treo”, chúng ta cần thay cơ chế thu hồi đất “treo” bằng cơ chế tăng thuế, nộp tiền sử dụng đất bổ sung hoặc tăng tiền thuê đất đối với đất “treo” mà nhà đầu tư phải nộp.

Nhà đầu tư phải tự cân nhắc, nộp tiền thêm để giữ đất hay tìm nhà đầu tư khác để chuyển nhượng dự án. Nhà đầu tư tự phải làm. Trong hoàn cảnh nào thì Nhà nước cũng luôn có lợi về kinh tế mà không phải vất vả gì.

Cảm ơn ông.

Theo Phùng Nguyên - Thu Hoài (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.