Tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước giải thích chi tiết nguyên do liên tiếp cảnh báo về hoạt động cho vay các dự án BOT, BT giao thông trong hơn một năm qua.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đến thực tế thay đổi chính sách về thu phí của Nhà nước đối với các dự án BOT, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho ngân hàng khi cấp tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của ngân hàng.

Dồn nguồn vốn lớn

Đầu năm 2015, trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước khi đó nhấn mạnh: nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước cũng như Cơ quan Thanh tra giám sát không chỉ là giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, mà còn phải tập trung công tác dự báo và cảnh báo.

Tại thời điểm đó, ông Nghĩa cho biết, bên cạnh lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực cho vay mà Ngân hàng Nhà nước lo ngại là các dự án BOT, BT giao thông.

Tuy nhiên, trong những năm 2014-2015, nhiều dự án lớn thuộc lĩnh vực trên khánh thành, góp phần tạo bối cảnh tốt trong các dòng chảy thông tin, mà những cảnh báo liên quan chủ yếu mang tính nội bộ.

Phải đến ngày 15/7/2015, Ngân hàng Nhà nước mới nhấn mạnh và cụ thể hơn ở Chỉ thị số 05 về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Tiếp đó, đầu 2016, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng tiếp tục có các chỉ thị, công văn cảnh báo thêm về hoạt động cho vay ở lĩnh vực này.

Tại hội thảo nói trên, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước đề cập đến cảnh báo rủi ro và có những lý giải liên quan.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Từ năm 2014 tới nay, cam kết cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT, BT giao thông có mức tăng trưởng cao.

Tính đến 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông với là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43%so với cuối năm 2015. Chỉ tính riêng ba ngân hàng BIDV, VietinBank và SHB có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với ngành.

Việc tăng trưởng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư trong nước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay vướng mắc lớn nhất của ngành ngân hàng khi cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát từ chính các dự án được chủ đầu tư đề nghị vay vốn, như năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án.

“Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tiếp tục giám sát

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ (với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án.

Đặc điểm của các dự án thuộc lĩnh vực giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, có nhu cầu nguồn vốn dài hạn và thời gian thu vốn dài (khoảng 20-25 năm), trong khi nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

“Việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Tài sản bảo đảm cho dự án BOT, BT chủ yếu tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro cao nếu lưu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo”, Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Bên cạnh đó một số thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2015/NĐ-CP chậm ban hành, tính ổn định của chính sách không cao, đặc biệt là việc thay đổi chính sách về thu phí của Nhà nước đối với các dự án BOT (giảm mức thu phí so với hiện hành hoặc chưa được thực hiện lộ trình tăng phí theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính), theo Ngân hàng Nhà nước, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho ngân hàng khi cấp tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của ngân hàng.

Trong trường hợp rủi ro xảy ra, ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, tăng nợ xấu, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Với những phân tích và thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và có chỉ đạo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.