6 tháng đầu năm, các ngân hàng công bố lợi nhuận khá khởi sắc, nhưng dự báo đến cuối năm 2014, lợi nhuận sẽ có những tác động nhất định do thực hiện Thông tư 09 khiến các khoản nợ xấu tăng cao, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng, nhưng rủi ro cũng tăng theo

Tại kỳ họp ĐHCĐ bất thường của Vietinbank ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, tính đến hết tháng 6/2014, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ước đạt 4.076 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) của Ngân hàng tăng lên mức 2,03% dư nợ, trong khi cuối năm 2013, tỷ lệ này ở mức 1%.

“Do việc áp dụng Thông tư 09 có những tiêu chuẩn cao hơn về phân loại nợ xấu đã khiến những khoản nợ xấu của Vietinbank tăng cao”, ông Thắng giải thích.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện mới chỉ có Vietinbank công bố nợ xấu tăng do thực hiện Thông tư 09, nhưng Vietinbank không phải là cá biệt.

“Chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ có nợ xấu tăng cao do tuân thủ Thông tư 09, thực hiện phân loại nợ chính xác và hiển nhiên lợi nhuận suy giảm bắt đầu từ cuối năm 2014”, một chuyên gia kinh tế nói.

Liên quan đến nợ xấu, EY Việt Nam vừa công bố “Khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi - Đầu tư để thành công”, với sự tham gia của 50 lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng, 11 quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam và hơn 9.000 khách hàng cá nhân cho biết, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều kỳ vọng tình hình tài chính sẽ khả quan hơn, tuy nhiên nợ xấu vẫn còn đáng quan ngại. Cụ thể, phần lớn các ngân hàng trông đợi cải thiện một phần kết quả tài chính và cả nền kinh tế nói chung, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng lên, nhưng 76% số ngân hàng tham gia khảo sát lo lắng về nợ xấu. Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 12 tháng tới.

Theo báo cáo tài chính của PGBank công bố mới đây, do phải trích lập dự phòng 99 tỷ đồng cho quý II/2014 nên lợi nhuận trong kỳ của Ngân hàng âm gần 12 tỷ đồng.

Trong khi đó, xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) 6 tháng đầu năm nay diễn ra khá chậm chạp với 14.857 tỷ đồng nợ gốc được mua (12.093 tỷ đồng giá mua), dù kế hoạch đặt ra cả năm là 70.000 - 100.000 tỷ đồng.

Trao đổi với ĐTCK ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho hay, việc mua nợ xấu diễn ra chậm do các TCTD bán nợ cũng phải có kế hoạch tài chính, trích lập dự phòng rủi ro những khoản nợ đã bán năm trước và năm nay. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, các TCTD đã đăng ký bán nợ cho VAMC từ giờ đến cuối năm, đảm bảo đạt được kế hoạch hơn 70.000 tỷ đồng.

Triển vọng bán nợ xấu cho VAMC khả quan hơn trong những tháng cuối năm, nhưng theo phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối quản lý rủi ro một ngân hàng TMCP, với quy định của Thông tư 09, ngân hàng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành. Các TCTD sẽ tiến hành trích lập dự phòng đối với trái phiếu trong vòng 5 năm. Do đó, chi phí trích lập dự phòng đối với những TCTD bán nợ cho VAMC trong năm nay cũng sẽ tăng lên.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khác nêu quan điểm, lợi nhuận ngân hàng năm 2014 sẽ chịu tác động bởi Thông tư 09 nhưng chưa rõ ràng. Bởi lẽ, Thông tư 09 bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với hiệu lực thi hành kể từ 20/3/2014 và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2015. Theo đó, các TCTD phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện một lần.

“Về nguyên tắc, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn tiếp tục được thực hiện, nhưng với các điều kiện chặt chẽ hơn. Đặc biệt, mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần nhằm tránh hiện tượng các TCTD lợi dụng việc cơ cấu việc cơ cấu nợ nhiều lần, làm “sạch” khoản vay và “làm đẹp” báo cáo tài chính. Nghĩa là nhiều khoản nợ dù trước đó đã được cơ cấu lại nhưng sau ngày 1/6/2014 sẽ chỉ được cơ cấu thêm 1 lần nữa và như vậy, phải đến năm 2015, lợi nhuận ngân hàng mới chịu ảnh hưởng đáng kể của Thông tư 09”, vị tổng giám đốc trên nói.

Báo cáo của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s (S&P) với tiêu đề: “Không dễ để xử lý vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam” nhận định, nợ xấu có thể làm giảm vốn hóa và lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12 - 18 tháng tới.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.