Người Trung Quốc gom mua BĐS xa xỉ ở Mỹ đang trở thành làn sóng ngày càng mạnh. Trào lưu này bơm thêm hàng tỷ USD vào thị trường BĐS nước này.

Khách hàng Trung Quốc gom mua BĐS cao cấp

Người Trung Quốc đang bỏ ra nhiều tỷ USD để mua nhà sang trọng ở Mỹ. Các công ty và chủ BĐS xa xỉ ở Mỹ đang quyến rũ khách hàng Trung Quốc bằng mọi cách, từ phong thủy cho đến những con số may mắn.

Giới BĐS Mỹ đang cạnh tranh để thu hút những người mua mới. Một số chủ dự án mới còn lắp đặt phòng bếp tuân theo quy tắc phong thủy, một số khác kết hợp các cuộc giao dịch BĐS với các chương trình của chính phủ nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài. Các hãng BĐS cử đại diện sang Trung Quốc và thuê những đại lý nói tiếng phổ thông Trung Quốc.

Tại Los Angeles, New York và thậm chí Miami, những người mua nhà hầu hết đến từ Trung Quốc, một số ít đến từ Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc. Tháng trước, một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã trả 34,5 triệu USD cho một khu biệt thự phong cách Versailles trên Đại lộ Sunset ở Beverly Hills, California. Cách đây một năm, một doanh nhân Hong Kong đã trả khoảng 28 triệu USD để sở hữu một BĐS gần đó. Hồi 6 tháng qua, ở New York, nhiều căn hộ ở một cao ốc Manhattan mới có tên gọi One57, mỗi căn có giá gần 50 triệu USD, đều đã được người mua Trung Quốc ký hợp đồng mua.

Cuối năm ngoái, Fang Yi Liu, một doanh nhân Thượng Hải, đã mua 17 căn hộ tổng cộng 14 triệu USD ở Miami.

Cuối năm ngoái, Fang Yi Liu, một doanh nhân Thượng Hải, đã mua 17 căn hộ tổng cộng 14 triệu USD ở Artech, một tòa nhà kính hiện đại giống một chiếc tầu biển nhìn ra đường thủy Intracoastal gần Miami.

Các chủ dự án cho biết, tòa nhà đặt những căn hộ xa hoa nhất trên các tầng từ 80 đến 88 là cách thông minh để hấp dẫn khách hàng Trung Quốc vì người Trung Quốc tin rằng số 8 là con số may mắn nhất.

15% những người mua đến từ châu Á đã mua những căn hộ 1 triệu USD ở tòa nhà 515E ở New York. Ở khu buôn bán kinh doanh của Los Angeles, một nửa số người mua nhà ở khu Ritz-Carlton mới là người châu Á.

Tận mua cả những vùng không 'hot'

Người mua nhà Trung Quốc đang quan tâm tới cả những nơi trên đất Mỹ mà trước đây họ chưa từng quan tâm. Năm ngoái, Richard Zhou, một nhà tư vấn đầu tư 41 tuổi, sống ở Thượng Hải đã bỏ ra 200.000 USD để mua một căn nhà ở khu golf lớn ở Fort Myers, Florida. Zhou đã bỏ ra 2 tuần nghiên cứu thị trường BĐS Mỹ và nhanh chóng quyết định Florida là một cuộc đặt cược tốt bởi vì "Florida bị ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng tài chính", nói thêm rằng sau này ông sẽ nghỉ hưu ở đây. "Florida thực sự là một bang tràn ngập nắng, thời tiết dễ chịu và chất lượng không khí rất tốt, thực phẩm cũng an toàn".

Theo số liệu của Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia (NAR) công bố đầu tháng 6 này, người mua từ Trung Quốc và Hong Kong đã trở thành nhóm khách hàng quốc tế lớn thứ hai mua nhà ở Mỹ trong 12 tháng qua (tính đến tháng 3/2012) với doanh số 9 tỷ USD, chỉ xếp sau Canada, tăng 89% so với năm 2010.

Dolly Lenz, một nhà môi giới BĐS cao cấp ở New York ước tính một nửa số khách hàng của cô đến từ Trung Quốc, nhiều hơn gấp hai lần so với cách đây 2 năm. Pamela Liebman, giám đốc điều hành Công ty môi giới BĐS Corcoran nói rằng những người mua BĐS cao cấp tăng mạnh từ đầu năm 2012 đến mức phá kỷ lục.

Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm đến thị trường BĐS Mỹ trong suốt cuộc khủng hoảng nhà ở, khi BĐS rớt giá khiến Mỹ trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với người mua trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Mỹ đưa ra tỉ lệ lãi suất thấp, giá chiết khấu và là một bến đậu an toàn cho tiền của họ. Trong khi đó, đầu tư tại Trung Quốc đang có nhiều rào cản hơn và bởi châu Âu không ổn định nên thị trường bất động sản Mỹ trở nên hấp dẫn với người Trung Quốc.

15% những người mua đến từ châu Á đã mua những căn hộ 1 triệu USD ở tòa nhà 515E ở New York.

Các đại lý BĐS chia người mua ra thành bốn nhóm: nhóm siêu giàu mua bất động sản có trị giá tới 15 triệu USD cho mục đích sử dụng cá nhân; nhóm khác mua nhà trị giá một vài triệu USD, cũng để cá nhân sử dụng; nhóm khác nữa mua bán BĐS để đầu tư, thường trong phạm vi 1 triệu đến 2 triệu USD để cho thuê và nhóm còn lại là mua số lượng lớn, như một chiến dịch thương mại.

Steven Loh, một doanh nhân từ Singapore, điều hành một tập đoàn tư vấn bất động sản có tên Silkrouteasia Capital Partners, là người mua số lượng lớn. Gần đây, ông đã mua 6 căn hộ ở khu Ritz-Carlton của Los Angeles với giá 1 triệu USD mỗi căn và cũng đang thực hiện thuận lợi một cuộc giao dịch 60 triệu USD với một vài nhà đầu tư nước ngoài để mua hơn 50 căn hộ ở một khu vực khác ở Los Angeles.

Ông Loh nói rằng ông muốn có một cú nhảy vào thị trường trước khi BĐS tăng giá. Ông nói "Người châu Á có xu hướng và thích sở hữu BĐS chất lượng cao".

Một vài hãng BĐS Mỹ nói rằng cơn say BĐS hiện nay nhắc họ nhớ lại cơn say mua BĐS của người Nhật những năm 1980, một hiện tượng đã biến mất cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật. Không giống khoảng thời gian đó, người mua hiện tại có xu hướng cẩn trọng hơn, cố tránh trả giá cao hơn giá thị trường và tính toán tỉ lệ thu hồi vốn. Ngoài ra, trong khi người Nhật đầu tư bằng tiền vay mượn thì hiện nay người Trung Quốc mua bằng tiền mặt.

Một số hãng BĐS cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu nhắm New York, Los Angeles và San Francisco, giờ đây cũng đang bắt đầu mở rộng sang những thành phố ở Nam Florida cũng như những khu vực ở Seattle and Las Vegas.

Một số chủ công trình và các hãng BĐS đang cố gắng tận dụng những chương trình của chính phủ khuyến khích người nước ngoài đầu tư ở Mỹ. Chẳng hạn chương trình EB-5 giúp các nhà đầu tư nước ngoài có đủ tư cách để định cư lâu dài ở Mỹ bằng cách đầu tư ít nhất 500.000 USD vào những dự án kinh doanh tạo ra ít nhất 10 việc làm ở Mỹ.

Jerry Kaufman, một chủ công trình tại J. Milton & Associates ở Miami, đang đàm phán để mua một khu đất rộng ở phía Bắc Miami với nỗ lực tạo ra thị trấn Trung Quốc đầu tiên ở Miami, một khu vực tự do thương mại với các casino, nhà hàng, phòng tranh, khu mua sắm, và khách sạn. Ông nói: "Chúng tôi sẽ gọi nó là Trung Quốc mới".

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.