Người Việt đứng tên mua đất cho người Trung Quốc đều là người quen hoặc có quan hệ vợ chồng.
“Việc quản lý người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện rất khó khăn” - đó là nội dung vừa được ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, báo cáo với Thành ủy Đà Nẵng.
Người Trung Quốc mua 137 lô đất
Theo ông Bằng, từ đầu năm 2015 đến nay có khoảng 129.000 lượt khách nước ngoài tới quận Ngũ Hành Sơn, trong đó gần 65.000 lượt người Trung Quốc. Ngoài ra còn có tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch nhưng ở lại lao động chui. Điển hình là quận vừa phát hiện một nhà thầu sử dụng 64 lao động không có giấy phép.
“Nhiều lao động nước ngoài vào làm cho các DN một thời gian rồi mới xin giấy phép lao động. Tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có gần 20 căn nhà, khách sạn được một số người Trung Quốc thuê trọn để cho công nhân, kỹ sư ở, làm việc” - ông Bằng nói.
Đáng chú ý, ông Bằng rất lo ngại về việc người Trung Quốc dùng tiền để dụ dỗ người Việt mua đất ven biển làm nhà ở và kinh doanh. Qua rà soát, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 71 người Việt Nam đứng tên mua 137 lô đất cho người Trung Quốc. “Người Trung Quốc chủ yếu mua các lô đất khoảng 100-200 m2 để làm nhà ở kết hợp kinh doanh” - ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, thông tin thêm.
Theo cơ quan chức năng, những người Việt đứng tên mua đất cho người Trung Quốc đều là người quen hoặc có mối quan hệ vợ chồng với người Trung Quốc. Hiện có khá nhiều người Trung Quốc sau một thời gian du lịch và làm ăn tại khu vực Ngũ Hành Sơn đã kết hôn, sinh con với người dân địa phương nhưng không đăng ký kết hôn hoặc không đảm bảo các thủ tục cần thiết. Khu vực người Trung Quốc tập trung làm việc và lưu trú nhiều nhất là phường Khuê Mỹ, xung quanh sân bay quân sự Nước Mặn.
Đường Võ Nguyên Giáp quận Ngũ Hành Sơn là khu vực có nhiều người Trung Quốc mua đất sinh sống, làm việc. Ảnh: LÊ PHI
Chỉ đạo tăng cường quản lý
Ngay sau khi nhận được báo cáo của quận Ngũ Hành Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lập tức chỉ đạo các sở ngành, quận huyện phải tăng cường quản lý người nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm, có yếu tố nước ngoài.
Nhắc lại vụ ông Li Mu Zi (31 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị một người lạ mặt bắn chết vào sáng 26-11 ở quận Sơn Trà, ông Xuân Anh nhắc nhở: “Vụ việc này chứng tỏ các cơ quan chức năng quản lý người nước ngoài chưa tốt. Công an TP phải rà soát tất cả cảnh sát khu vực, trưởng công an phường. Nếu người nào không làm được thì phải chuyển”.
Được biết Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng vừa có chỉ đạo các địa phương không được cho ghép thửa, xây dựng các công trình cao tầng tại những khu vực nhạy cảm về chính trị, quân sự. Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo quận, huyện và lực lượng cảnh sát khu vực phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn, không được phép chủ quan.
“Hiện có tình trạng người Trung Quốc vào Việt Nam để hoạt động du lịch chui gây rối loạn thị trường du lịch, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch của Đà Nẵng. Ngành VH-TT&DL và quản lý xuất nhập cảnh phải hết sức lưu ý vấn đề này, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được khách nhập cảnh” - ông Anh chỉ đạo.
Quận Ngũ Hành Sơn sẽ tăng cường nắm thông tin, rà soát kỹ lưỡng trong công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương theo tinh thần chỉ đạo của bí thư Thành ủy. Quận sẽ chỉ đạo công an các địa bàn siết chặt công tác quản lý cư trú, trường hợp người nước ngoài vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó sẽ không để xảy ra tình trạng người nước ngoài vào du lịch rồi ở lại lao động chui.
Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn
Trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 11 vụ vi phạm an ninh trật tự liên quan tới người nước ngoài. Cá biệt có vụ lừa đảo 20.000 USD và người lừa đảo đã trốn về Trung Quốc.
Lê Phi (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.