Theo Bộ Xây dựng, nên tính đến 2015, tại các khu đô thị trên cả nước sẽ có khoảng hơn 1,7 triệu người có khó khăn về nhà ở và cũng ngần ấy công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định. Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.
Mặc dù được xây dựng nhiều nhưng nhà thu nhập thấp có giá vẫn cao ngất ngưởng so với thu nhập của người dân. Ảnh: Minh Hạnh
Hỗ trợ 8 nhóm đối tượng về nhà ở
Theo kết quả rà soát mới nhất của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu có chỗ ở ổn định. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân KCN trên toàn quốc, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Đến năm 2020, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân KCN sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn.
Theo "Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có một nội dung quan trọng là phát triển nhà ở xã hội, sẽ tập trung hỗ trợ 8 nhóm đối tượng, bao gồm: người có công với cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân lao động tại các KCN, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100 ha, trong đó chỉ có khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân khu KCN với diện tích khoảng 2 triệu m2 sàn và 56 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với diện tích 1,8 triệu m2 sàn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp và công nhân lại là bội số của số lượng nhà ở xã hội của các dự án đang xây dựng. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh thống kê chưa đầy đủ thì đã có khoảng 150.000 trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội (công chức, viên chức, chiến sỹ...), chưa tính đến những đối tượng có thu nhập thấp.
Phấn đấu người thu nhập thấp có nhà
Để đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó, 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội giải quyết các thủ tục, hướng dẫn các DN triển khai nhanh việc điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi mục đích các dự án. Tính đến nay đã có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ (chủ yếu ở tại các đô thị lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không chỉ có ý nghĩa thực hiện "Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đáp ứng nhu cầu về nhà ở thiết thực cho người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách, mà còn góp phần điều chỉnh lệch pha cung - cầu của thị trường bất động sản đang dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn hiện nay. Như vậy, chủ trương của Chính phủ cho phép các chủ đầu tư thực hiện chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phù hợp với mong muốn của các chủ đầu tư, phù hợp tình hình thị trường BĐS và nhu cầu thiết thực về nhà ở của người dân. Hy vọng, tới đây những người thu nhập thấp và công nhân đều có thể mua được nhà ở xã hội.
Lê Đức (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.