CafeLand – Quy định cho phép Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà trong nước đã có hiệu lực hơn một tháng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài vẫn tỏ ra lung túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể.

Những tín hiệu tích cực

Ngay sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, các doanh nghiệp địa ốc đã nhanh chóng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi để thu hút người nước ngoài và Việt kiều.

Cụ thể, trong ngày 1/7, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức một buổi lễ riêng giới thiệu dự án Vinhomes Central Park (TP.HCM) cho đối tượng là Việt kiều và người nước ngoài. Theo công bố của chủ đầu tư, chỉ 2 tiếng trong buổi lễ, đã có 112 căn hộ tại đây đã được người nước ngoài, Việt kiều giao dịch.

Tập đoàn Novaland cũng tung ra chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài” với những ưu đãi đặc biệt dành cho các khách hàng là Việt kiều, người nước noài mua 100 căn hộ đầu tiên của 4 dự án do Novaland đầu tư và phát triển là Dự án The Sun Avenue (quận 2), The Botanica (quận Tân Bình), Lucky Palace (quận 6), Sunrise CityView (quận 7).

Hai dự án lớn của Công ty Hưng Thịnh là Florita (quận 7) và Sky Center (quận Tân Bình) cũng nhận được sự quan tâm của Việt kiều và người nước ngoài.

Ông Nguyễn Nam Hiền, TGĐ Hưng Thịnh Land cho biết, ngoài khách hàng trong nước thì Việt kiều và người nước ngoài là nhóm đối tượng khách hàng được Hưng Thịnh quan tâm và chú trọng. Hiện nay, thị trường đã khởi sắc, ổn định, các chính sách Luật cũng mở rộng tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu nhà trong nước.

Vẫn phải chờ

Ông Trương Anh Tú, Giám đốc kinh doanh Tiếp thị của Sacomreal cho biết, hiện các đơn vị bán hàng của công ty đang gặp khá nhiều khó khăn liên quan đến việc tư vấn cho người nước ngoài mua nhà.

Ông Tú cho biết, mục 2 của các loại hợp đồng mẫu trong Luật Kinh doanh bất động sản có ban hành các biểu mẫu. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch với người nước ngoài nên chăng có hay không câu chuyện hợp đồng mẫu bằng tiếng anh. Đây là vấn đề rất băn khoăn, bởi vì đã quy định ra việc giao dịch với người nước ngoài thì cũng nên thống nhất chuyện này.

Trong trường hợp, người sở hữu là người nước ngoài, trong thời hạn 3 tháng trước khi hết hạn họ có được quyền nộp hồ sơ xin gia hạn thêm. Hoặc thay vì gia hạn thêm họ có được chuyển nhượng cho người mới hay không?.

Nếu như đối tượng được chuyển nhượng đó tiếp tục là người nước ngoài thì người đó có được sở hữu 49 năm hay không?. Nếu họ chuyển nhượng cho người Việt Nam thì người đó có được sở hữu vĩnh viễn?

“Ngoài ra, người nước ngoài được gia hạn mấy lần? và khi gia hạn thêm có phải đóng thêm các khoản tiền sử dụng đất hay là khoản tiền gì đó hay không?”, ông Tú đặt câu hỏi.

Theo ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, vừa rồi dự án The Ascent đã có nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, dù luật đã ra rồi nhưng thông tư hướng dẫn thì chưa có, một số biện pháp như khách hàng nước ngoài mua nhà thì chuyển tiền như thế nào, vấn đề ra sổ sau này như thế nào chưa có gì rõ ràng nên những người nước ngoài rất thận trọng vấn đề này.

“Hiện chúng tôi đang tạo điều kiện cho họ ký hợp đồng đặt cọc khi nào đến thời điểm có thông tư hướng dẫn rõ ràng sẽ cho họ ký hợp đồng mua bán. Nếu thông tư hướng dẫn ra mà có một số trở ngại nào đó thì mình sẽ hoàn lại tiền. Với phương án này rất nhiều khách nước ngoài đồng ý và bên mình đã ký hợp đồng với khá nhiều khách nước ngoài rồi”, ông Hoàng cho biết.

Ông Trần Hà Phương, Phó Chủ tịch về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, hiện có rất đông Kiều bào quan tâm đến việc chứng minh nguồn gốc Việt Nam.

Ông Phương cho biết, vì nhiều lý do, hoàn cảnh lịch sử nên hiện có nhiều Việt kiều đã mất hết giấy tờ tùy thân, giấy chứng minh nguồn gốc Việt Nam. Chúng tôi đang nghiên cứu, sẽ đề nghị cho phép UBND TP được ủy quyền cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố (cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Thành phố) được cấp xác nhận gốc Việt Nam cho Kiều bào.

“Giấy xác nhận gốc Việt Nam hoàn toàn khác với giấy chứng nhận có Quốc tịch Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến Quốc tịch thì giao về sở Tư Pháp, còn giấy xác nhận gốc Việt Nam đơn giản hơn thì giao cho Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố cấp, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi và tiền bạc cho kiều bào”, ông Phương nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, về việc chuyển tiền mua nhà, Hiệp hội đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà, hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Đối với quy định về việc hạn chế người nước ngoài không được mua quá 30% số lượng căn hộ tại một chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự và nhà liền kề thì không quá 250 căn trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường.

Tuy nhiên, tại một số khu vực tại TP.HCM có mật độ đông người nước ngoài sinh sống như khu Thảo Điền (quận 2) hay một số phường ở quận 7 thì việc giới hạn số lượng như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, quy định về cấm hoặc hạn chế người nước ngoài đi lại, cư trú tại những khu vực nhạy cảm cảm về an ninh quốc phòng. Vậy nên, cần có hướng dẫn cụ thể làm rõ những khu vực nào là khu vực cấm đi lại, khu vực nào người nước ngoài được mua, khu vực nào không được mua nhà.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.