CafeLand – Luật Nhà ở 2014, cho phép người nước ngoài được mua nhà được kỳ vọng sẽ tạo ra cú đột phá cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, đã gần 5 tháng Luật đi vào thực tế, số lượng người nước ngoài được mua nhà đến nay vẫn là một ẩn số.

Việc cởi mở cho phép người nước ngoài được mua nhà có tác động tích cực nhưng chưa tạo đột biến cho thị trường bất động sản.

Ngay sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực ngày 1/7, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra hồ hởi khi Luật đã thông thoáng hơn trong việc mua bán nhà cho người nước ngoài. Thực tế, Luật đã tạo một làn sóng không nhỏ trên thị trường, nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị rất kỹ, bung ra nhiều chương trình bán hàng đặc biệt cho nhóm đối tượng này. Theo một thống kê, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật, 120.000 người Đức và trên 6.000 người Philippines đang sinh sống và làm việc. Tính chung cả nước có khoảng 500.000 ngàn người nước ngoài. Đây là những cơ sở khiến nhiều doanh nghiệp lạc quan.

Ngay trước khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, không ít doanh nghiệp đã đi tắt đón đầu bằng việc tổ chức thường xuyên nhiều chương trình bán hàng ưu đãi dành cho người nước ngoài. Nhiều chủ đầu tư đã công bố số lượng lớn người nước ngoài tham gia lễ mở bán, thậm chí có dự án thông tin đã có hơn 100 căn hộ được đặt mua bởi người nước ngoài.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, việc người nước ngoài được mua nhà trong thời gian qua là không sôi động như sự kỳ vọng ban đầu. “Mặc dù một số dự án thông tin có tới 30 - 40% khách hàng nước ngoài tham dự lễ mở bán, thế nhưng đa phần họ chỉ đến xem, cho đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể nào về số lượng người nước ngoài đã mua nhà sau khi Luật có hiệu lực”, tiến sĩ Nhân nói. Theo tiến sĩ Nhân, mặc dù Chính Phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở 2014, nhưng phải đến ngày 10/12 nghị định này mới có hiệu lực nên người nước ngoài vẫn còn e ngại, tìm hiểu rất kỹ dự án mới xuống tiền. Có một cản trở là không ít doanh nghiệp vẫn quan niệm xu hướng bán những thứ mình có, chứ chưa quan tâm được tới cái khách hàng họ cần. Đặc biệt là khách hàng nước ngoài, họ có những nhu cầu và chuẩn mực rất cao nên dự án muốn tiếp cận đối tượng này cũng phải thật sự đảm bảo về chất lượng và các tiện ích.

Đang phát triển cùng lúc hai dự án Angia Skyline và Angia Riverside ngay tại quận 7, nơi tập trung lượng lớn người nước ngoài sinh sống và làm việc. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ An Gia Investment, hiện khách hàng chủ yếu của dự án là trong nước, khách hàng nước ngoài không lớn, chỉ chiếm khoảng 5%.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong văn hóa mua bán bất động sản của người phương Tây và Việt Nam vẫn có những nét khác nhau. Ở phương Tây khi mua nhà họ rất ít khi sử dụng tiền tiết kiệm mà chủ yếu là vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện những quy định chuyển tiền, vay ngân hàng mua nhà như thế nào với người nước ngoài vẫn còn nhiều rối rắm.

Ông Đặng Chính Thắng, Phó Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Nam cho biết, một khó khăn nữa trong việc giao dịch với người nước ngoài chính là chưa có các văn bản hợp đồng bằng tiếng anh. Theo ông Thắng nếu đã chấp thuận giao dịch với người nước ngoài thì nên cho phép hợp đồng được chuyển ngữ để thuận tiện trong giao dịch.

Như vậy, sau gần 5 tháng luật cho phép người nước ngoài được mua nhà có hiệu lực, những tác động của nó vẫn chưa thể gây đột biến cho thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sau một thời gian đủ dài chủ yếu để thăm dò, tìm hiểu sắp tới khi Nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thì khả năng nhu cầu của người nước ngoài sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới phương thức bán hàng cho người nước ngoài cũng như nâng cao chất lượng dự án.

Nguyễn Hùng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.