"Ai làm nứt nhà dân thì phải bồi thường cho dân. Họ làm đủ thủ tục rồi thì phải đập, nhưng đập mà ảnh hưởng tới căn hộ thì phải bồi thường".
Ngày 21/6, những người mua nhà tại Dự án 8B Lê Trực tiếp tục cầu cứu Thanh tra Bộ xây dựng, khẩn thiết đề nghị Thanh tra Bộ xây dựng báo cáo với Bộ trưởng, Thủ tướng chính phủ sớm có biện pháp xử lý dứt điểm sai phạm một cách nghiêm minh, công bằng và đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Ông Phạm Gia Yên – Chánh thanh tra Bộ xây dựng đã trực tiếp làm việc với Ban đại diện lâm thời tòa nhà.
Thanh tra Bộ xây dựng làm việc với cư dân tòa nhà 8B Lê Trực.
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Hồng Xuân - đại diện cư dân của tòa nhà cho biết: “Công trình tại số 8B Lê Trực do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư xây dựng, được các Đơn vị tư vấn có uy tín thiết kế, thẩm tra và được các Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, phương án thiết kế kiến trúc và đã được cấp Giấy phép xây dựng. Như vậy, việc chủ đầu tư xây dựng công trình tại số 8B Lê Trực đã bán căn hộ cho chúng tôi là hợp pháp.
Đến tháng 09/2015, khi báo chí đưa tin, phản ánh về việc xây dựng sai phép tại công trình 8B Lê Trực, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý và đã dấy lên dư luận không đúng như: công trình ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng, vấn đề tâm linh... Khi đó những người dân mua căn hộ chúng tôi đã nộp số tiền đến 80-90% giá trị căn hộ để đến tháng 12/2015 được nhận căn hộ theo tiến độ Hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư.
Từ tháng 3/2016 đến nay, UBND phường Điện Biên tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm và giao công việc phức tạp này cho một đơn vị không đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát (đơn vị không có chức năng và năng lực tư vấn, chưa được cấp Giấy phép thi công phá dỡ công trình, doanh nghiệp chưa được niêm yết trên trang điện tử của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành).
Việc UBND phường Điện Biên không tuân thủ quy định của pháp luật và các quy trình hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Ba Đình trong tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần công trình vi phạm tại 8B Lê Trực đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của các hộ liền kề, làm giảm tuổi thọ công trình, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố công trình không lường trước được trong quá trình sử dụng, nguy hiểm đến tính mạng của người dân chúng tôi.
Chúng tôi đã nhiều lần có Đơn khiếu nại, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chưa một lần nhận được sự trả lời đúng theo quy định của pháp luật. Với tôn chỉ “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” một lần nữa người dân chúng tôi gửi Đơn khiếu nại kiến nghị và mong muốn được trả lời và giải quyết một cách thỏa đáng đúng quy định pháp luật.
Những người dân mua căn hộ tại 8B Lê Trực cho rằng, chủ đầu tư đã vi phạm xây dựng sai so với Giấy phép được cấp, họ phải chịu trách nhiệm về việc này và phải bị xử lý nghiêm theo quy định, cụ thể là Nghị định 121/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Một công trình sai phép vẫn tiếp tục được xây dựng cho đến khi sắp hoàn thiện rồi mới kiên quyết cưỡng chế phá bỏ, gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, trực tiếp gây thiệt hại trực tiếp về thời gian, tiền bạc cho hàng trăm người dân mua căn hộ tại đây.
Quan trọng hơn cả, những người mua nhà khẳng định phương án phá dỡ hiện nay chưa được bất cứ cơ quan thẩm quyền nào như Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) thẩm tra, cho ý kiến sau khi công trình bị phá dỡ cắt ngọn như vậy thì phần tòa nhà còn lại có đảm bảo an toàn, chịu lực hay không ? Việc này sẽ gây ra những thiệt hại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như thế nào ? Đó là những điều khó có thể lường trước hết được, chỉ những chủ nhân mua căn hộ mới phải gánh chịu.
Chia sẻ với những khó khăn, bức xúc người dân gặp phải, ông Phạm Gia Yên – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Ai làm nứt nhà dân thì đều phải bồi thường cho dân. Họ làm đủ thủ tục rồi thì phải đập, nhưng ông nào đập làm ảnh hưởng tới căn hộ thì phải bồi thường. Ông phải phê duyệt phương án an toàn, không để ảnh hưởng quá lớn tới công trình lân cận, căn hộ khác. Người mua nhà nếu bị thiệt hại phải tới chỗ phê duyệt phương án phá dỡ để yêu cầu bồi thường. Còn với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng để xem xét và giải quyết".
Ông Phạm Gia Yên khẳng định:"Người mua nhà phải được đảm bảo quyền lợi"
Chánh thanh tra Bộ xây dựng cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, việc xử lý sai phạm đang trong phạm vi xử lý của TP Hà Nội, nếu họ làm sai chúng tôi sẽ có ý kiến. Việc này Thủ tướng đã có ý kiến, Hà Nội đang thực hiện, tôi không xen chân vào khi người ta chưa làm. Tôi chỉ vào cuộc khi người ta làm sai thực sự”.
“Người mua nhà sẽ không mất quyền lợi trong việc này, bởi vụ việc vẫn chưa xử lý xong. Khi nào xử lý xong sẽ được đòi quyền lợi. Muốn kiện tụng gì thì các bác cứ tới thẳng quận, phường. Trong thẩm quyền của mình tôi sẽ làm những việc để giúp dân” – ông Phạm Gia Yên cho biết thêm.
Mai Thu (PL+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.