Ông Nguyễn Hữu Kiên, một công dân đang sinh sống trên địa bàn huyện Từ Liêm, đồng thời là Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Từ Liêm, là đại biểu duy nhất tại cuộc họp HĐND huyện diễn ra sáng 5/12 không “bấm nút” tán thành phương án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận.

Ông Nguyễn Hữu Kiên (ảnh nhân vật cung cấp).

Sáng 5/12, Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm đã họp bất thường nhằm thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường mới. Có 32/33 đại biểu có mặt đồng ý với Đề án này, chỉ có 1 đại biểu duy nhất không tán thành với lý do không đồng ý về việc tách thành 2 quận và ông Kiên xác nhận đại biểu đó chính là ông.

Thời gian thông qua Nghị quyết nhanh chóng “ngoài sức tưởng tượng”

Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên cho rằng, việc dồn ép thời gian chỉ trong vòng 6 ngày để làm các thủ tục họp dân, thông qua các Nghị quyết tại HĐND 3 cấp quả là một kết quả nhanh chóng “ngoài sức tưởng tượng”.

“Chẳng nhẽ HĐND TP Hà Nội họp kỳ này thôi và sẽ không họp nữa? Việc quan trọng ảnh hưởng đến 550.000 người dân sao lại phải làm gấp rút như thế?”

Ông Kiên phân tích, Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận vào ngày 26/11, sau đó huyện triển khai yêu cầu trong vòng 6 ngày phải lấy được ý kiến của 550.000 người dân trên địa bàn, như vậy là quá gấp rút.

Ông Kiên cũng chỉ rõ, tại cuộc họp dân nơi ông đang sinh sống tại thôn Đông Sen, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, bản thân các cán bộ chủ chốt truyền đạt ý kiến tới người dân còn chưa nắm vấn đề rõ ràng, thậm chí Bí thư của thôn còn phát biểu, phương án này đã được Quốc hội thông qua, giờ bà con chỉ biểu quyết có đồng ý hay không.

Ông Kiên đã lên tiếng trong cuộc họp đó rằng: “Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi không thông qua phương án nào gọi là tách Từ Liêm thành 2 quận, thẩm quyền này cũng không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.”

Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên cũng phân tích, theo Nghị định 34, hoàn thành việc lấy ý kiến chưa phải là ý kiến đó đã được chốt và người dân hoàn toàn có quyền tham gia các nội dung khác, ví dụ họ có thể đề xuất phương án khác, có thể đồng ý hoặc không đồng ý với phương án mà cấp trên đã đề ra.

Không nên tách huyện Từ Liêm thành 2 quận

Theo quan điểm của ông Kiên, phương án thành lập 2 quận từ địa giới hành chính của huyện Từ Liêm là không phù hợp. Ông Kiên cho rằng, việc thành lập 2 quận như vậy sẽ dẫn tới phát sinh một bộ máy hành chính mới với khoảng 500 - 700 công chức, cùng với đó là xây dựng hệ thống trụ sở, sân vận động, viện kiểm sát mới, công an mới,… một loạt các vấn đề cần phải xây dựng.

Một số ý kiến lý giải rằng, nếu chỉ thành lập quận Từ Liêm và giữ nguyên hiện trạng thì quá lớn và không quản lý được. Nhưng theo ông Kiên, “tại sao lớn quá thì sát nhập Hà Tây vào Hà Nội làm gì. Trung Quốc là một nước lớn như vậy mà cũng chỉ có 22 tỉnh và 11 cơ quan ngang tỉnh. Hàn Quốc có diện tích cũng tương đương diện tích nước ta cũng chỉ có 8 tỉnh.

Còn trong nước, ở TPHCM, quận Gò Vấp có số dân 550.000 người cũng chỉ thành lập 1 quận, hay phường 12 của quận Gò Vấp, hẳn 100.000 người sao họ vẫn quản lý được. Nếu thành lập 2 quận sẽ phát sinh ra một số lượng lớn công chức và trụ sở phải xây dựng. Trong bối cảnh kinh tế như thế này có nên không?”.

Ông Kiên cũng khẳng định, việc tách Từ Liêm thành 2 quận cũng không phù hợp với Hiến pháp vừa được thông qua: “Ta chủ trương thành lập chính quyền đô thị gồm 2 cấp, cấp thành phố và cấp phường. Tại sao lại sinh ra thêm một bộ máy cồng kềnh như vậy, về sau nếu triển khai theo Hiến pháp thì phần trung gian là quận này sẽ đưa đi về đâu, nó không phù hợp với thực tiễn”.

Ông Kiên cho rằng, quan điểm tách Từ Liêm tách 2 quận là góc nhìn của riêng Từ Liêm. “Ngày xưa, Từ Liêm cũng đóng góp cho việc thành lập 2 quận Cầu Giấy và Tây Hồ. Hai quận này hiện tại đều chỉ có 8 phường. Nếu Từ Liêm to quá sao không tách 1 phần của Từ Liêm vào Tây Hồ, 1 phần vào Cầu Giấy, nếu cần thiết nữa thì 1 phần vào Thanh Xuân, phần còn lại thành lập quận Từ Liêm.

Còn nếu về quan điểm quản lý thì hoàn toàn có thể đưa Từ Liêm chỉ thành 1 quận, vì chúng ta đang từng bước đi vào Chính phủ điện tử, đưa công nghệ vào quản lý, vậy tại sao càng quản lý lại càng kém đi?”.

Chớ để “hứa treo”

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của huyện Từ Liêm và theo tầm nhìn 2020 - 2030, Từ Liêm sẽ nằm trong nội đô, trụ sở của các bộ ban ngành đều chuyển về Từ Liêm thì việc đưa huyện này thành quận là hợp lý, nhưng theo ông Kiên, cách thức tiến hành cũng phải hết sức cân nhắc, không nên đưa ra những lời “hứa treo” với người dân.

Ông Kiên cũng đưa ra bài học của quận Tây Hồ. Quận này được thành lập năm 1995, từ năm đó tới 2003 gần như đầu tư cho cơ sở hạ tầng không tăng là mấy. Mọi người hi vọng lên quận sẽ được đầu tư nhiều hơn, nhưng nhìn lại thì không được như vậy. Từ năm 2004 - 2005, đầu tư tăng lên sở dĩ vì thu hồi đất đai, bồi thường nhiều nên có nguồn chứ không có định hướng lên quận phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho khớp nối.

Bên cạnh đó, ông Kiên phân tích, nếu nhìn tổng thể, tách thành Nam và Bắc Từ Liêm sẽ nảy sinh bất cập là Nam Từ Liêm rất phát triển vì khu vực này tập trung các công ty, các trụ sở lớn, và được đầu tư nguồn vốn lớn, phần còn lại ở phía Bắc của huyện chủ yếu là đất nông nghiệp sẽ không có nguồn vốn để phát triển. Nếu câu chuyện của Bắc Từ Liêm lặp lại của quân Tây Hồ thì đó vẫn là điều đáng bàn.

Thảo Nguyên (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.