Sau một thời gian sở hữu căn hộ chung cư, tưởng như đây sẽ là tổ ấm, là nơi trú ngụ lâu dài để “an cư lạc nghiệp”.

Thế nhưng, thực tế hiện tại ở nhiều chung cư cho thấy, có một bộ phận người dân ngày càng tỏ ra không mặn mà với loại hình nhà ở này, do quá nhiều bất tiện.

Sử dụng sai công năng…

Theo khảo sát của PV báo PL&XH, các hiện tượng nhếch nhác, xuống cấp, chật chội… là thực trạng phổ biến ở nhiều chung cư hiện nay. Thế nhưng, một trong những điều khiến người dân bức xúc, chính là tình trạng sử dụng sai mục đích một số hạng mục công trình. Trong đó phải kể đến việc tận dụng các diện tích công cộng để làm chỗ kinh doanh, diễn ra hầu hết ở các tòa nhà chung cư. Đặc biệt thực trạng các doanh nghiệp (DN) tìm đến khu chung cư thuê văn phòng, gây áp lực cho hạ tầng cũng khiến người dân bức xúc.

Không khó để nhận thấy thực trạng, nhiều căn hộ chung cư được chuyển sang cho các DN thuê làm trụ sở, hoặc văn phòng giao dịch. Hầu hết tầng 1 các tòa nhà chung cư đều được sử dụng làm quán cà phê, quán ăn, các cửa hàng, bãi trông xe tự phát... lấn chiếm các khoảng không gian chung. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng dân cư; gây ô nhiễm môi trường; tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng chung cư.

“Nếu là nhà ở, mỗi căn hộ chỉ có vài người nhưng một văn phòng thì có tới hàng chục nhân viên, chưa kể lượng khách ra vào giao dịch hàng ngày. Cả tòa nhà có 4 cái thang máy, nhân viên văn phòng, khách đến giao dịch ồn ào cả ngày, chỗ để xe lúc nào cũng chật cứng vì quá tải. Nhỡ xảy ra hỏa hoạn thì thoát hiểm thế nào?” – một cư dân KĐT Nam Trung Yên lo ngại.

KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, hoặc khu Nam Nam Trung Yên, là những ví dụ cụ thể về “thực trạng” đáng lo ngại nói trên. Có thể thấy, vào thời điểm năm 2006, lúc mới đi vào hoạt động, ít ai nghĩ rằng những KĐT này lại trở nên đông đúc chật chội như hiện nay. Toàn bộ nhà chung cư khu Trung Hòa - Nhân Chính, đều được cấp giấy phép xây nhà chung cư để ở, nên việc cho thuê làm văn phòng đã gây nên tình trạng lộn xộn, hạ tầng nhanh chóng bị quá tải, những tồn tại nêu trên dẫn đến bức xúc của các hộ dân, cũng là điều dễ hiểu.

Ở nhiều chung cư, khoảng sân chung đã trở thành bãi đỗ xe khiến cư dân bức xúc. Ảnh: Sỹ Hào

Không chịu nổi áp lực, người dân tìm nơi khác “an cư”

Rõ ràng, việc “tích hợp” quá nhiều chức năng như vậy đã gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng các KĐT. Và căng thẳng đã bùng nổ giữa cư dân với nhiều DN, là điều khó tránh khỏi. Ở KĐT Nam Trung Yên, người dân còn phản đối DN bằng cách, khóa lối vào tầng hầm, không cho các nhân viên văn phòng sử dụng. Thậm chí, ở một vài KĐT, đã nổ ra xung đột giữa cư dân với các nhân viên văn phòng đến thuê nhà.

Những “áp lực” trên đã khiến nhiều gia đình phải rời bỏ nơi từng được lựa chọn làm tổ ấm, vì không chịu đựng nổi. Ở thời điểm mới đưa vào hoạt động, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính được nhiều người dân lựa chọn bởi hạ tầng tương đối hoàn thiện, vị trí cũng gần trung tâm TP, giao thông đi lại thuận tiện.

“Vợ chồng tôi đều là công chức, nên mua nhà rất xem trọng tiêu chí yên tĩnh, thời điểm mới chuyển đến, khu Trung Hòa - Nhân Chính là nơi đáp ứng được các tiêu chí cần thiết để chúng tôi, yên tâm công tác. Thế nhưng, ít lâu sau, ùn ùn các DN về đây thuê văn phòng, trong khi nơi này được xây để ở, chứ không phải mục đích kinh doanh. Qua thời gian, hàng loạt những rắc rối phát sinh, tiện ích công cộng của cư dân ngày càng bị thu hẹp do hàng quán, cửa hàng ở tầng dưới mở ra. Khu này bây giờ lúc nào cũng ồn ào, xe máy, ô tô tùy tiện dừng đỗ trên đường, vỉa hè, ở các khoảng không gian chung, muốn đi bộ cũng không có chỗ mà đi. Trẻ con cũng chẳng có nơi để sinh hoạt hay tổ chức các hoạt động thể chất. Sau gần 10 năm gắn bó với nơi ở này, thực trạng như vậy khiến chúng tôi đành phải đi tìm nơi ở khác” – anh Thành, cư dân KĐT Nam Trung Yên chia sẻ.

Thực tế, cơ quan chức năng cũng đã nhìn nhận thấy những nguy cơ trong việc tùy tiện sử dụng chung cư hiện nay. Từ năm 2009, Bộ Xây dựng từng công văn số 2544/BXD-QLN yêu cầu một số địa phương tiến hành rà soát và có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng, cho thuê chung cư làm văn phòng. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa có gì chuyển biến. Các khu chung cư tại Hà Nội vẫn là địa điểm lý tưởng để các DN chọn thuê căn hộ làm văn phòng giao dịch, làm việc.

Khách quan nhìn nhận, “thực trạng” đang diễn ra, ở nhiều chung cư được cho là kết quả của việc chưa có quy hoạch rõ ràng cụ thể về chức năng sử dụng của từng hạng mục trong KĐT. Trong khi cơ quan chức năng vẫn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nên tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Căng thẳng giữa người dân với các DN là rất đáng lo ngại, khi cả hai phía đều đang gây áp lực cho nhau.

“DN cũng biết rằng chung cư được thiết kế không phải để kinh doanh, nên việc về đây đặt trụ sở cũng có nhiều bất lợi. Thế nhưng, hàng nghìn DN nhỏ và vừa, trong điều kiện kinh tế quá khó khăn, bất đắc dĩ mới phải thuê chung cư để tiết kiệm chi phí. Đừng tưởng DN về các KĐT mà không chịu áp lực nào, những nơi này rõ ràng không được xây dựng để thuận lợi cho việc kinh doanh. Ở nhiều KĐT người dân còn “quây” trước trụ sở DN gây sức ép, thậm chí còn đe dọa, hành hung khiến nhiều DN cũng đành ngậm ngùi… tìm chung cư khác để thuê. Vấn đề ở đây là do công tác quản lý của cơ quan chức năng, chứ không phải tại DN. Vì thế các cư dân ở tòa nhà cũng có thể nhìn nhận sự việc bằng thái độ thông cảm và chia sẻ với khó khăn mà các DN đang vấp phải trong tình hình hiện tại” – anh Nguyễn Văn Thành, GĐ một DN có trụ sở tại KĐT Nam Trung Yên, bày tỏ.

Trước thực tế nhiều người dân rời bỏ chung cư của mình để tìm nơi ở mới thuận lợi hơn. Cũng như đã có nhiều DN cũng không mặn mà với việc thuê chung cư làm trụ sở. Các chuyên gia BĐS lại cho rằng, nguồn cung căn hộ hiện nay nhiều, các dự án mới được chủ đầu tư chú trọng hơn trong hạ tầng, cây xanh và điều quan trọng là giá cả cũng khá hợp lý nên không ít gia đình chuyển đi. Số người chuyển đi thường là những người có điều kiện, bởi tâm lý người Việt thường xem trọng mối quan hệ “hàng xóm láng giềng”; xác định “an cư lạc nghiệp” nên họ rất ngại việc di chuyển chỗ ở. Hơn nữa, nếu bán được căn hộ ở các khu đô thị trong nội thành hoặc gần nội thành với vị trí thuận lợi như ở Trung Hòa – Nhân Chính; Nam Trung Yên; Linh Đàm… chấp nhận đi xa, có thể mua (hoặc thuê) được 2 căn hộ với diện tích rộng và không gian thoáng đãng hơn.

Ở góc nhìn xã hội học, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc người dân “chán” các khu chung cư cũng có thể nhìn nhận ở nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là người dân chồng đủ tiền mua chung cư nhưng không nhận được “sổ đỏ”. Đây là tài sản lớn của người dân, nên họ rất muốn được chứng nhận quyền sở hữu, vì nếu có việc phải vay vốn làm việc gì đó, nếu không có “sổ đỏ” thế chấp thì ngân hàng không cho vay.

“Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương cấp “sổ đỏ” cho các căn hộ chung cư, nhưng thực tế là không dễ gì thực hiện. Lý do, nhiều chủ đầu tư khi mua lô đất xây chung cư, đã đem “sổ đỏ” của lô đất ấy cắm cho ngân hàng vay vốn. Nay lại cấp quyền sử dụng cho các hộ gia đình trên lô đất ấy, thì ngân hàng nào chấp nhận? Họ phải nắm thứ gì để đảm bảo chủ đầu tư không xù nợ. Ở các chung cư rơi vào trường hợp này, nếu cứ cấp “sổ đỏ” cho người dân thì sẽ càng phức tạp” – ông Bùi Danh Liên lập luận.

Các nguyên nhân khác được ông Bùi Danh Liên chỉ ra là, nhiều loại phí ở chung cư hiện nay rất cao, so với mức thu nhập của người dân. Ở nhiều chung cư, các chủ đầu tư “tận thu” phí đến mức, thậm chí lương của một công chức bình thường không đủ để trả đủ loại “phí dịch vụ”. Chất lượng ở nhiều nhà chung cư cũng kém, mà khu Nam Trung Yên; hay khu Đồng Tàu là những ví dụ cụ thể. Nhiều DN xác định thuê hoặc mua chung cư để làm văn phòng, trụ sở giao dịch phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng không có thị trường, cộng với việc bị người dân phản đối nên cũng phải chuyển đi nơi khác. Trong khi một bộ phận khác cư dân, không chịu được những áp lực của các vấn đề nảy sinh trong KĐT nên cũng chuyển đi.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm

Phải có cơ chế giám sát “buộc” chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch

Trao đổi với PV báo PL&XH về những vấn đề đang xảy ra ở nhiều chung cư, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng: Để giải quyết thực trạng nhếch nhác, tùy tiện, sử dụng sai chức năng… xảy ra ở nhiều chung cư, cần phải thống nhất được khái niệm về vấn đề nhà ở.

Phải có cơ chế giám sát “buộc” chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch“Khái niệm này, sẽ được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở trong thời gian tới. Đặc biệt trong luật về quy hoạch đô thị cũng đã phân khúc chức năng và phân loại các công trình xây dựng. Trong đó nhà ở là chức năng dành cho việc ở, còn các chức năng công cộng được bố trí ở các vị trí thích hợp khác. Việc sử dụng lẫn lộn các chức năng xảy ra phổ biến ở nhiều KĐT hiện nay, đã gây áp lực cho cư dân, cần phải được chấn chỉnh” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, Việt Nam cũng như ở một số nước đều đưa ra một khái niệm gọi là “đất hỗn hợp” để xây những “công trình hỗn hợp” – đa chức năng. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng khái niệm ấy không làm thay đổi chức năng của công trình, không làm thay đổi quá trình vận hành của công trình.

“Ở một số nước như Nhật Bản người ta cũng khẳng định có “đất hỗn hợp”, có những công trình đa năng, nhưng chỉ có một số chức năng nhất định. Và ngay tại Việt Nam cũng có những tòa nhà chung cư, dành hẳn một vài tầng cho các chức năng ví dụ như làm siêu thị; làm phòng tập thể thao; nơi sinh hoạt cộng đồng… nhưng không được phép có chức năng làm xáo trộn cuộc sống của cư dân ở KĐT ấy. Hiện tại nhiều chung cư ở Việt Nam, cơ quan chức năng đang khiếm khuyết trong công tác quản lý, dẫn đến việc tùy tiện sử dụng sai chức năng ở các hạng mục công trình. Sân chung cư thành bãi đỗ xe; căn hộ để ở thành quán bán hàng, thành trụ sở của các DN…” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Cũng theo đánh giá của TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, ở nhiều KĐT mới hiện nay trên địa bàn Hà Nội, chức năng chủ yếu chỉ để dành cho nhà ở, còn các chức năng công cộng khác như siêu thị; chợ; phòng tập thể thao; trường học; BV… nếu có thì thường lại được bố trí ở các công trình lân cận khác. Việc xây dựng các công trình công cộng này chưa được chủ đầu tư chú trọng.

“Một vấn đề được đặt ra, xây dựng nhà ở nên gắn kết với tổng thể cả KĐT và phải có sự giám sát của Nhà nước, chứ không phải bỏ mặc cho chủ đầu tư chỉ chú trọng xây các công trình để kiếm lợi, mà không trú trọng đến hạ tầng xã hội. Thực tế quy hoạch thì có đầy đủ các hạng mục, thế nhưng ở các KĐT hiện nay việc xây dựng hạ tầng lại không đảm bảo đồng bộ, điều này là rất khó chấp nhận” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm khằng định.

Lương Giang (trích)

Sỹ Hào (Pháp luật & xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.