Chọn thời điểm Quốc hội tiến hành thảo luận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra bản khuyến nghị những điểm cần điều chỉnh trong Dự thảo luật này.

Đáng chú ý, 13 điểm khuyến nghị của WB có rất nhiều nội dung trùng với 10 điểm mà Ban soạn thảo Dự luật gợi ý thảo luận, trong đó có việc tôn trọng quyền lợi của người có đất.

Tới đây, Nhà nước sẽ trực tiếp thu hồi đất và NĐT dự án chỉ là NĐT thứ cấp

Từ khuyến nghị của WB...

Một trong những điểm “nóng” nhất được WB khuyến nghị là sự minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường. Theo WB, việc Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay, gây ra nhiều khiếu kiện kéo dài. Ngày càng có nhiều khiếu kiện từ những người bị ảnh hưởng, mà một số trường hợp đã bị bần cùng hóa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, cần bồi thường công bằng cho những người đã mất toàn bộ hoặc một phần đất đai của họ và những người chịu ảnh hưởng bất lợi từ quá trình phát triển.

Luật pháp hiện tại về đất đai cho phép hai hình thức chuyển dịch đất đai. Đó là thu hồi đất bắt buộc và chuyển dịch đất tự nguyện. Hình thức thu hồi đất bắt buộc được áp dụng không chỉ cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, mà còn cho một số mục đích phát triển kinh tế như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu dịch vụ, khu dân cư nông thôn, đô thị, các dự án với 100% vốn đầu tư nước ngoài…

WB cho rằng, thu hồi đất theo phương thức bắt buộc và giao lại đất vì các mục đích kinh tế thường gây ra sự không công bằng trong việc chia sẻ lợi ích giữa những người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước, sử dụng đất không hiệu quả, tham nhũng và khiếu kiện. Hình thức này không đảm bảo quyền thực sự cho những người sử dụng đất. Vì vậy, WB khuyến nghị, cần thu hẹp phạm vi được phép thu hồi đất chỉ vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng và lợi ích quốc gia.

Về giá bồi thường đất trong thu hồi đất bắt buộc, WB cho rằng, luôn thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường. Việc này dẫn đến sự không hài lòng của những người có đất bị thu hồi. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện kéo dài tại các cơ quan nhà nước các cấp, các dự án phát triển bị chậm tiến độ, ảnh hưởng tiêu cực đến cả phát triển kinh tế lẫn ổn định xã hội, cũng như làm suy giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như các quy định pháp luật và thực tế ở Việt Nam, WB khuyến nghị, nên giao cho các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất xác định giá đất theo phương pháp thị trường. Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất cần được lựa chọn dựa trên sự đồng thuận giữa những người dân bị ảnh hưởng và các bên liên quan về quyền lợi và nghĩa vụ trong thu hồi đất. Giá đất bồi thường cần được quyết định thông qua các hội đồng độc lập cấp tỉnh và cấp Trung ương. WB cũng khuyến nghị bổ sung quy định về chia sẻ lợi ích giữa bên hưởng lợi và bên bị ảnh hưởng vào Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho cư dân địa phương.

...đến quan điểm của Ban soạn thảo và đại biểu Quốc hội

Đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, Dự thảo luật đã xác định, tới đây, Nhà nước sẽ trực tiếp thu hồi đất và nhà đầu tư dự án chỉ là nhà đầu tư thứ cấp.

“Thu hồi đất của dân không nên tùy tiện, Nhà nước không thể dùng quyền của mình để muốn thu thì thu. Quyền lợi của người có đất phải được tôn trọng và Dự thảo luật mới thể hiện rõ điều này”, ông Quang nói.

Về cơ chế định giá đất, ông Quang cho biết, vẫn phải có khung giá cố định, nhưng nội dung khác trước rất nhiều. Khung giá trước đây chỉ có 3 vùng: đồng bằng, trung du, miền núi. Khung giá sắp tới sẽ phủ dày hơn, độ chính xác cao hơn và sẽ ổn định trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, cũng sẽ có cơ quan định giá đất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phụng kiến nghị, Dự thảo luật cần quan tâm đến việc lo đời sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất như dạy nghề, tạo công ăn việc làm lâu dài và ổn định. Cụ thể, theo đại biểu Phụng, dự thảo cần tạo cơ chế cho người bị thu hồi đất được chia sẻ lợi ích từ chính những dự án đó, như được hưởng giá điện rẻ từ dự án thủy điện, được vào làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp…

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, về bản chất, các giải pháp như vậy có thể dẫn tới khả năng không cần phải thu hồi đất, chẳng hạn như trường hợp người dân tham gia vào dự án với tư cách người góp quyền sử dụng đất...

Được biết, đến ngày 19/11 tới, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Đức Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.