Một cuộc điều tra xã hội học về cuộc sống, việc làm, học tập… của người dân bị giải tỏa và tái định cư nơi ở mới vừa được công bố. Đây là kết quả sau nhiều năm vấn đề cuộc sống của người dân hậu tái định cư được đưa ra mổ xẻ tại các kỳ họp HĐND TPHCM nhằm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn khi người dân bị thu hồi đất để chuyển về nơi ở mới, qua đó đưa ra những chính sách hợp lòng dân hơn.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TPHCM), cho rằng chủ trương của TP là cuộc sống của người dân bị giải tỏa đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, một thời gian dài hầu như sau khi tái định cư xong cuộc sống của người dân như thế nào chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Thực tế cho thấy, cuộc sống của một bộ phận người dân đã không hòa nhập được hoặc khó khăn hơn tại nơi ở mới do mất việc làm, di chuyển ra xa nơi làm, nơi học tập…

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đối với đời sống hậu tái định cư của người dân bị thu hồi đất thuộc 104 dự án phát triển kinh tế - xã hội TPHCM từ năm 2010 đến nay vừa được công bố, đã phác họa được những khó khăn, thuận lợi. Cuộc khảo sát ở 8 quận, huyện với 498 hộ mẫu trong số 4.962 hộ dân có đất bị thu hồi và đã được bồi thường theo Quyết định 35/2010 của UBND TPHCM.

Theo đó, việc làm sau khi chuyển đến nơi ở mới là vấn đề được người dân tái định cư rất quan tâm, bởi đó là cuộc sống hàng ngày và tương lai cho con cái họ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có đến 43% tổng số người trên 15 tuổi không có việc làm.

Trong 57% có việc làm song có đến hơn 76% số người đang làm việc chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật; 36% người dân tự tạo việc làm, lao động tự do; chỉ gần 10% có thay đổi công việc so với trước khi di dời. Điều này cho thấy quá trình tái định cư chưa mang lại nhiều cơ hội việc làm, không làm thay đổi việc làm của người dân, song lại ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của họ. Bởi vẫn công việc như thế nhưng người dân tái định cư phải di chuyển một khoảng cách xa hơn so với trước, về nơi ở cũ để làm việc, buôn bán.

Khu tái định cư tại quận 2, TPHCM. Ảnh: Long Thanh

Kết quả là thu nhập của họ bị giảm. Điều đó cũng thể hiện khó khăn trong việc hòa nhập vào cộng đồng dân cư mới của người dân tái định cư. Kết quả khảo sát cũng cho thấy lĩnh vực việc làm được người dân tập trung lựa chọn nhiều nhất là các ngành nghề lao động phổ thông như công nhân, chăn nuôi, trang điểm, chạy bàn…

Nhiều hộ dân sau khi chuyển đến nơi ở mới thu nhập bị giảm (39%); nhiều hộ nhận tiền tự lo chỗ ở mới (15%) thông thường là mua nhà xa tại các huyện ngoại thành bằng giấy tay, quy hoạch treo… Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các địa phương khi giải tỏa, tái định cư không quản lý được đầu ra, chỉ bồi thường xong là… xong trách nhiệm; khi người dân nhận tiền rồi, họ đi đâu chính quyền không biết.

Cuộc khảo sát cũng ghi nhận nguyện vọng của người dân, vấn đề quan tâm hàng đầu vẫn là nâng giá bồi thường, thực hiện bồi thường sớm, có các hình thức hỗ trợ, trợ cấp thêm; được vay vốn để kinh doanh, học tập, miễn giảm học phí, giới thiệu việc làm ổn định. Nơi tái định cư không quá xa so vói nơi ở cũ, nâng cao chất lượng căn hộ chung cư, các dịch vụ hạ tầng cũng cần được nâng cấp…

Người dân cũng cho biết họ sẵn sàng nhường đất để phục vụ lợi ích chung, nhưng quyền lợi chính đáng của người mất đất phải được đảm bảo. Có như vậy họ mới yên tâm đến nơi ở mới.

Hoàng Anh (Sài Gòn Đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.