“Đất vàng” bỏ hoang, đó là câu chuyện không hề mới bởi dư luận đã phản ánh từ lâu, các cơ quan chính quyền cũng đã thanh tra, kiểm tra và kết luận rất nhiều dự án vi phạm.
Nghịch lý đất ‘‘vàng” bỏ hoang

Nhưng tình trạng lãng phí đất hoang vẫn đang diễn ra. Nghịch lý là đất hoang thì nhiều trong khi quỹ đất dành cho việc xây bệnh viện, trường học lại luôn luôn thiếu.

Bạt ngàn đất bỏ hoang


Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội có 11.000 ha đất chủ yếu là đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp, phục vụ cho hơn 1.700 dự án phát triển đô thị và công nghiệp. Vậy nhưng trong số đó, có hàng loạt dự án xây biệt thự, nhà cao tầng rồi lại bỏ hoang, thậm chí có những dự án ở vị trí đắc địa trong Thủ đô vẫn ì ạch và kéo dài hàng chục năm chưa xong.


Một khu đất rộng khoảng 4 ha nằm tại vị trí đắc địa đó là khu vực ngã tư Đào Tấn - Kim Mã hàng chục năm nay không được sử dụng vào mục đích gì ngoài việc 1 phần khu đất được Công ty Khai thác điểm đỗ xe Ngọc Khánh biến thành bãi giữ xe. Hay như Dự án Khu nhà ở cao tầng tại ô đất A10, A14 Khu đô thị Nam Trung Yên rộng gần 4ha, được khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn hoàn toàn là bãi đất trống. Đại diện chủ đầu tư dự án này là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết do thị trường bất động sản trầm lắng nên buộc phải giãn tiến độ thi công. Tại trục đường Lê Văn Lương cũng có hàng loạt dự án gắn biển giới thiệu từ nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được tiến hành, mặt tiền được chiếm dụng trở thành các nhà hàng, cửa hiệu, garage ô tô...


Đa phần chủ nhân của các lô đất bị bỏ hoang đều là các “ông lớn” như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Sông Hồng, Công ty Đầu tư phát triển nhà số 2 Hà Nội… hay thậm chí cả một số chủ đầu tư nước ngoài. Theo kết quả rà soát đất bỏ hoang năm 2011, trong số 118 dự án đã phát hiện, có gần 30 dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai ì ạch với tốc độ… rùa.


Đất chưa sử dụng nhưng phải giữ bằng được


Bên cạnh đó là một diện tích đất rất lớn thuộc các cơ quan công quyền không được đầu tư khai thác, rất lãng phí. Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), khối cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất với khoảng 1,5 tỷ m2. Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2. Hiện tại, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai.


Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhận xét, cứ chỗ nào đất đẹp nhất, đắc địa nhất đều là của cơ quan hành chính, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty. Một số bộ, ngành có tâm lý chây lỳ và cố giữ đất. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lợi, cá biệt có một số nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi đó có rất nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Mặt khác, khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và phương thức sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước có nhiều thay đổi, song việc chuyển đổi công năng của tài sản trên đất và mục đích sử dụng đất không theo kịp, đặc biệt là đất của một số ngành như lương thực, thực phẩm... dẫn đến hiệu quả khai thác quỹ đất thấp, thậm chí bỏ trống, cho thuê, bị lấn chiếm. Một nguyên nhân khác là mục tiêu hình thành nên các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần định hướng các “ông lớn” chú tâm vào lĩnh vực bất động sản do địa tô chênh lệch cao.


Vẽ dự án để kiếm lời


Thiếu đất luôn là nguyên nhân hàng đầu trong các báo cáo về khó khăn trong việc mở rộng, xây mới trường học, bệnh viện và các hạ tầng công cộng khác. Nó hoàn toàn trái ngược với việc hàng loạt dự án khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân golf… cứ “xin là được”, và nhiều trong số đó “xin được rồi cứ để đấy” hay tình trạng các cơ quan công quyền đất rộng thênh thang mà không biết khai thác vào việc gì.


Lý giải cho tình trạng dự án bỏ hoang, dư luận cho rằng ngoài lý do mà các chủ đầu tư đưa ra là kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng… thì không ngoại trừ nguyên nhân năng lực chủ đầu tư có vấn đề. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng nhiều trường hợp chủ đầu tư chỉ nhăm nhe xin đất, đua vẽ dự án để kiếm lời. Trong khi đó, chúng ta có thể cho phép đầu tư xây dựng, xác định thời hạn hoàn thành dự án nhưng lại không quản được tiến độ, kế hoạch xây dựng từng công trình, từng khu vực cụ thể. Do đó có tình trạng dự án khởi công mấy năm mà vẫn chưa xây dựng được gì.


Hạ tầng công ích - ở đâu cũng thiếu


Ngược với đó là tình trạng thiếu trầm trọng các hạ tầng công ích. Chẳng hạn tại quận Đống Đa có tới 4 phường trắng trường mầm non công lập, 4 phường chưa có trường tiểu học công lập, có phường thiếu cả trường mầm non lẫn tiểu học (Ngã Tư Sở). Hầu hết các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn đều quá tải. Chưa hết, quận có tới hàng chục dự án chung cư cao tầng đã và đang triển khai, nếu khi hoàn thành và có người ở thì tình trạng thiếu trường học càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn quận cũng có hàng loạt dự án “treo”, hoặc có những doanh nghiệp diện tích đất rộng tới 5 ha không được sử dụng hiệu quả, cho cơ sở kinh doanh thuê địa điểm kiếm lợi.


Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội - hậu quả của nghịch lý về quy hoạch đất đai diễn ra đã lâu mà không có ai chịu trách nhiệm. Tương tự, các bệnh viện cũng quá tải trầm trọng trong khi suốt 5 năm qua thành phố không xây dựng mới được một bệnh viện nào. Trong khi đó, việc xử lý thu hồi những dự án đất bỏ hoang, chậm tiến độ là quá ít ỏi không thấm vào đâu so với số diện tích đất bỏ hoang. Năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn toàn thành phố, trong đó phát hiện 118 dự án vi phạm Luật Đất đai, chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, Sở mới chỉ trình thành phố thu hồi được gần 54.700m2 đất vi phạm Luật đất đai tại 9 dự án quy mô trung bình và nhỏ.


Thanh tra xong, không nên để đấy


Theo kế hoạch thì trong tháng 4 và tháng 5-2012, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành đợt kiểm tra đầu tiên của năm 2012 đối với 30 dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm. UBND thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra, rà soát những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bỏ hoang hóa hoặc sản xuất không hiệu quả để di dời, thu hồi đất phục vụ xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp tình trạng thiếu trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn, báo cáo UBND TP. Theo quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo và mạng lưới trường học Hà Nội đã đặt mục tiêu xây mới 1.215 trường học trên diện tích hơn 12.000 ha đất. Bên cạnh đó, hệ thống y tế thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu được chú ý là xây mới 25 bệnh viện với 8.850 giường bệnh. Cụ thể, từ 2011-2015, sẽ khởi công và xây mới 10 bệnh viện, 5 năm tiếp theo sẽ xây mới 15 bệnh viện. Với những mục tiêu trên, quỹ đất dành cho việc xây dựng bệnh viện, trường học là rất lớn.


Dư luận rất hoan nghênh việc rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với dự án đất hoang hóa đang để lãng phí, đồng thời cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay đối với những dự án có sai phạm, kiên quyết thu hồi để dành quỹ đất cho việc xây dựng hạ tầng công ích. Chứ nếu thanh tra xong, lại để đấy thì câu chuyện đất hoang thì thừa, đất xây trường học thì thiếu không bao giờ chấm dứt.
Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.