Sau những cuộc họp đánh giá tình hình thị trường bất động sản cuối năm 2013, ngày 7-1 Chính phủ đã ra Nghị quyết 02/NQ-CP, xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, trong đó đề cập khá nhiều đến lãnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, đồng thời cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM

Mặc dù đánh giá tích cực, song nhiều người vẫn cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu và cần có những hành động cụ thể để sớm đưa tinh thần của nghị định đi vào thực tế. TBKTSG Online có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, đồng thời cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, xung quanh những giải pháp của nghị quyết này:

TBKTSG Online: Có vẻ như nghị quyết quá ưu ái các doanh nghiệp địa ốc khi cho phép giãn, giảm thuế giá trị gia tăng, nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, chuyển đổi dự án... Trong khi vấn đề của thị trường hiện nay là sức mua, hay nói cách khác nên hỗ trợ người mua nhà nhiều hơn. Ông nghĩ sao?

- Ông Nguyễn Văn Đực: Theo tôi thì việc giảm hay giãn nộp thuế giá trị gia tăng đều có lợi cho khách hàng. Nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng là phù hợp, vì thật bất công nếu doanh nghiệp chưa bán được hàng mà phải nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án. Còn chuyển đổi dự án là hợp lý vì như vậy doanh nghiệp mới có thể thoát khỏi tình trạng tồn kho hàng hoá và nguyên liệu khủng như hiện nay.

Thuế giá trị gia tăng là người mua chịu chứ không phải doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng thì người mua được hưởng, không ảnh hưởng đến đơn giá bán.

Nghị định cũng bật đèn xanh cho phép chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội, song cũng có ý kiến cho rằng việc này không đơn giản. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Chính phủ cho phép chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội cũng chưa giải quyết được khó khăn cho thị trường bất động sản. Vấn đề then chốt hiện nay là tồn kho hàng trăm ngàn căn diện tích lớn trên 70 mét vuông/căn, giá bán trên một tỷ đồng không phù hợp với sức mua của người dân. Ngay cả nhà ở xã hội tại Hà nội cũng tồn kho hàng chục ngàn căn do diện tích lớn, giá bán cao, nhà tái định cư tại TPHCM cũng rơi vào cảnh tương tự. Không thể chuyển sang nhà ở xã hội vừa sức mua của người dân nếu không chia nhỏ căn hộ.

Để giải quyết bài toán hàng tồn kho, Chính phủ cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ thành những căn có diện tích 30 – 40 mét vuông, giá bán 500 – 600 triệu đồng/căn phù hợp với sức mua của người dân như vậy doanh nghiệp sẽ bán được hàng mà không cần mang danh nhà ở xã hội, mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại gọi là nhà bình dân. Cho phép chuyển đổi công năng thành bệnh viện, trường học, văn phòng…

Theo tinh thần của nghị quyết thì ngân hàng sẽ cho vay mua nhà “với lãi suất thấp” đối với căn hộ nhỏ hơn 70 mét vuông và có giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông. Điều đáng chú ý là kỳ hạn trả nợ sẽ “phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng”, nghĩa là ai có nhiều trả nhiều và ai có ít trả ít. Song cũng có người băn khoăn liệu các ngân hàng có làm được chuyện này. Ông nghĩ sao?

- Quy định này rất có lợi cho người mua nhà vì người dân an tâm trả lãi suất thấp trong thời gian nhiều năm, tạo điều kiện cho nhiều người có khả năng sở hữu nhà ở. Tuy nhiên tôi băn khoăn ngân hàng thương mại chưa chắc sẽ thực hiện, nên quy định thông qua các ngân hàng trực thuộc nhà nước như BIDV, VDB.

Theo ông, liệu những chủ trương đề cập trong nghị quyết của Chính phủ có giải quyết được vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay không?

- Nghị quyết có độ trễ vì phải chờ thông tư hướng dẫn của các bộ ngành chuyên môn, các cơ quan chính quyền thì e dè, thiếu tích cực, ngân hàng không chấp hành. Vì vậy Nghị quyết đưa ra những giải pháp nhưng chưa chắc thực hiện ngay được mặc dù doanh nghiệp bất động sản đang thoi thóp từng tháng ngày.

Theo tôi các bộ ngành và cơ quan chính quyền địa phương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, Cho phép đầu tư căn hộ 25 mét vuông như nhà ở xã hội, mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại, gọi là nhà bình dân với điều kiện: quy hoạch, kiến trúc, diện tích nhà, tiền sư dụng đất như nhà ở xã hội, có giá bán bằng hoặc thấp hơn nhà ở xã hội và được phép bán rộng rãi cho mọi người. Tôi tin rằng đây là giải pháp hữu hiệu nhất có thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.

Một số ý chính trong Nghị quyết 02 của Chính phủ:

- Các địa phương có hàng tồn kho sản phẩm bất động sản lớn hạn chế sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư, thay vào đó sẽ dùng nguồn vốn này để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp để phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội.

- Gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng từ tháng 1 – 3/2013 đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như sắt thép, ximăng, gạch, ngói.

- Cho phép các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian hai năm kể từ ngày có thông báo nộp của cơ quan thuế.

- Giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối hoạt động đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội, và giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho hoạt động đầu tư-kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70 mét vuông và có giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông, trong khoảng thời gian từ 01-07-2013 đến 30-06-2014.

- Dành từ 20.000 – 40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhà nước cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có có diện tích dưới 70 mét vuông và có giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông với lãi suất thấp và kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Theo Đình Dũng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.