Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, đây được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành thép và các ngành, nghề khác có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết sẽ đem tới hàng loạt thách thức đối với ngành công nghiệp thép của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành thép phải thực sự nỗ lực nếu không muốn bị chiếm mất thị trường, việc hội nhập này sẽ đem lại nhiều thách thức hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Theo số liệu của Bộ Công thương về tình hình sản xuất thép trong nước, dự báo nhu cầu thép xây dựng trong cả nước năm 2015 khoảng 6 triệu tấn, nhưng công suất của các nhà máy trên cả nước lên đến 11 triệu tấn, ngoài thép xây dựng, các mặt hàng thép khác cũng chung tình trạng. Như vậy, hầu hết chủng loại thép đều có công suất và sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Lượng cung vượt cầu quá xa.

Trong khi đó, thép nội đang phải cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Trong thời gian tới, khi thông qua FTA ASEAN - Trung Quốc, thị trường này dự báo sẽ có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Điều này khiến cho bức tranh ngành thép trong tương lai hết sức ảm đạm.

Bên cạnh đó, với thị trường xuất khẩu, nếu thép ngoại vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%, thép Việt Nam vào các nước cũng được hưởng thuế suất đó. Điều này có nghĩa các nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ có nhiều hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước.

Điều này khiến cho thời gian gần đây, các sản phẩm của Việt Nam vướng phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại như: Điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam tại Úc, thép hợp kim cán nóng Việt Nam bị Thái Lan điều tra lại thuế tự vệ, hay như việc Bộ Thương mại Indonesia chuyển hướng đột ngột từ nâng cấp hàng rào phòng vệ thương mại sang kiện chống bán phá giá các mặt hàng thép lá mạ, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm nhập khẩu từ Việt Nam… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, làm giảm kim ngạch xuất khẩu, và dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Đối với các doanh nghiệp khi vướng vào những vụ kiện này rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng trong nước cũng như phía hiệp hội, nơi đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp. Ngoài ra, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp.

Trước những sức ép lớn trong hiện tại và tương lai, doanh nghiệp trong ngành thép rất cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng để có thể tăng sức cạnh tranh, cần nâng cao ý thức về phòng vệ thương mại.

Hơn hết, khi bước vào hội nhập thì các doanh nghiệp ngành thép cũng cần phải biết đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phát triển và yếu tố quyết định cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài đó chính là chất lượng của sản phẩm.

Tuyết Hạnh (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.