Chính quyền xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) buông lỏng quản lý, mặc cho HTX nông nghiệp thôn Phúc Đức (HTX Phúc Đức) tự ý tổ chức đấu thầu trái quy định, có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước; để người dân xây dựng công trình kiên cố ngay trên đất nông nghiệp được thuê... Đáng nói, thực trạng trên diễn ra từ nhiều năm nay, song UBND xã Sài Sơn vẫn không có biện pháp xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Đấu thầu đất trái thẩm quyền
Cả khu vực cánh đồng rộng hàng hécta được dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, song theo ghi nhận của PV, bên cạnh những thửa ruộng bỏ hoang, nhiều công trình kiên cố đã được mọc lên. Tình trạng này diễn ra nhiều năm tại thôn Phúc Đức.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ những năm 2003-2004, chính quyền xã Sài Sơn đã giao cho thôn Phúc Đức tự ý giao thầu, bán đất trái quy định của Nhà nước. Thậm chí, nhiều gia đình đã xây công trình kiên cố, song không hề bị chính quyền địa phương can thiệp, xử lý. Điển hình như khu đất ao Quán được giao cho gia đình ông Tạ Văn Chung, khu đất giáp ranh với thôn Thụy Khuê được giao cho bà Nguyễn Thị Liên được giao thầu... không thời hạn và những gia đình này đã xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp được giao thầu.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Thụy - Chủ tịch UBND xã Sài Sơn - cũng thừa nhận việc xã giao cho HTX thôn Phúc Đức tự ý tổ chức giao thầu là trái thẩm quyền. “Việc này được thực hiện cách đây 10 năm, lúc đó, chính quyền xã cũng chưa nắm rõ quy trình pháp luật nên mới để xảy ra sai phạm vậy” - ông Thụy cho biết.
Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 về thi hành Luật Đất đai, thẩm quyền cho thuê đất nông nghiệp công ích thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn; thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần cho thuê đất, không quá 5 năm. Như vậy, việc UBND xã Sài Sơn tự ý giao cho HTX Phúc Đức tổ chức cho thuê đất là trái quy định.
Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng xã bán đất công ích cho người dân, ông Thụy khẳng định là không có việc này. Tuy nhiên, theo ông Thụy, một số cá nhân được giao thầu đất không thời hạn (?). Đáng nói, việc tổ chức đấu thầu đều không được công khai, mà do HTX tự ý thỏa thuận với người dân. . “Từ phản ánh này, chúng tôi sẽ sớm xác minh để từ đó có hướng giải quyết cụ thể” - ông Thụy cho hay.
Ngang nhiên xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Tại những diện tích được giao thầu để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, nhiều gia đình đã tự ý xây dựng các công trình kiên cố.
Sau khi nhận thầu và đóng tiền cho HTX, gia đình ông Nguyễn Đình Võ đã xây dựng một dãy nhà cấp 4 bằng gạch trên thửa đất để làm nhà xưởng sản xuất đồ mộc, kinh doanh... Tương tự, gia đình bà Phan Thị Ngọc Mỹ cũng biến khu ao Dộc - nằm xen trong khu dân cư - thành công trình nhà vườn, sau khi tự ý lấp một phần ao Dộc. “Khu này vốn được giao để nuôi trồng thủy sản, nhưng giờ thì nó đã bị biến tướng rồi” - chị Nguyễn Thị L - người dân trong thôn - cho biết.
Cũng theo người dân tại đây, khu ao Dộc có nhiệm vụ tiêu và giữ nước đệm cho khu vực, nhưng sau khi bà Mỹ nhận thầu và lấp ao, xây dựng công trình kiên cố tại đây, khả năng tiêu nước vào mùa mưa của toàn bộ khu dân cư lân cận bị ảnh hưởng, gây ngập úng cục bộ thường xuyên. Tại thôn Phúc Đức, hiện còn gần chục hộ dân khác cũng tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp, điển hình như khu Bãi Bồi - Đống Đá. Các công trình này cũng hiện diện tại đây được trên 5 năm, nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để. Lý giải về điều này, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy cho biết, hầu hết các công trình kiên cố được xây dựng tại đây là công trình cấp 4, nhằm phục vụ việc chăn nuôi... Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh, xã đã lập biên bản, xác nhận tình trạng vi phạm và yêu cầu các hộ chấn chỉnh, nhưng không hiệu quả.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Bình Minh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.