Sau thời tín dụng bùng nổ, không ít ngân hàng đã ôm hận khi gánh khối nợ xấu lớn từ các khách hàng lớn đã từng được săn đón và ưu đãi. Tình trạng đó có vẻ đang lặp lại khi nhiều ông lớn tiếp tục được NH nuông chiều với lãi suất thấp?

Suốt thời gian qua, DN vẫn không ngừng kêu khó vì NH giải ngân ít, trong khi đó, NH cũng kêu ca vì họ không tăng trưởng được tín dụng, lợi nhuận tụt giảm.

Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng với tất cả khi vẫn có tình trạng kẻ ăn không hết, người lần không ra.

Ông lớn được vay vốn rẻ

Hiện nay, bên cạnh các DN khá khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thì ngược lại, không ít doanh nghiệp lại "đuổi không hết" ngân hàng. Mà ngân hàng nào cũng sẵn sàng cấp hạn mức vài ba chục tỷ để lôi kéo khách hàng nhận nợ bên mình.

Qua tìm hiểu, các DN được giới NH "săn đón" như vậy thường là các DN lớn. Các NH thường chia khách hàng thành 4 phân khúc: Khách hàng cá nhân, khách hàng DN nhỏ và vừa (SME), Khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng định chế tài chính.


Sau thời tín dụng bùng nổ, không ít ngân hàng đã ôm hận khi gánh khối nợ xấu lớn từ các khách hàng lớn đã từng được săn đón và ưu đãi

"Định nghĩa khách hàng DN lớn thì mỗi NH sẽ thường định nghĩa riêng, nhưng họ sẽ dựa vào doanh thu,lợi nhuân, quy mô của DN để xác định mức độ lên cấp DN lớn, hay DN SME", một chuyên gia tài chính cho biế

Nếu tiếp cận số liệu tài chính của một số DN được liệt vào hạng lớn, chúng ta có thể giật mình vì mức lãi suất họ được hưởng, có những DN được hưởng mức lãi suất khoảng 5,5%, 6% cho vay ngắn hạn.

Đây là những mức lãi suất cho vay thấp giật mình vì bản thân các NH đi huy động cũng đang phải duy trì mức lãi suất huy động ngắn hạn từ 5% trở lên. Ngoài ra, các DN này cũng được rất nhiều ưu đãi, thuận lợi, ưu tiên trong các giao dịch với NH như thủ tục nhanh, gọn, thỏa thuận được nhiều phương thức giao dịch, giải ngân, các ưu đãi khi có tiền gửi, và đặc biệt nhất là hạn mức tín dụng toàn thuộc dạng "khủng".

Đương nhiên, các DN này thường cũng không chỉ giao dịch với một NH mà có hạn mức tín dụng tài vài NH, mỗi NH một vài chục tỷ. Việc còn lại là của họ chỉ là ký nhận nợ nếu cần tiền, và "ưu tiên" NH nào thì mới nhận nợ với ngân hàng đó.

Doanh nghiệp và ngân hàng: Vẫn cần một tiếng nói chung

Thực tế cho thấy, các NH cũng cần phải giải ngân vì họ sống bằng việc cho vay, lợi nhuận từ cho vay mà ra. Còn các DN thì cũng cần vốn để làm ăn.

Tuy nhiên, có những DN được ưu đãi lớn, có những DN lại khó khăn trong hoạt động tiếp cận vốn. Vì sao?.

Theo một giám đốc quan hệ khách hàng của một NH thương mại thì các DN lớn cho vay tiếp cận được dễ dàng hơn vì tài chính của các DN này cũng thường khá minh bạch, có báo cáo tài chính kiểm toán của các công ty kiểm toán có uy tín.


Doanh nghiệp và ngân hàng cần một tiếng nói chung

"Họ là các doanh nghiệp lớn, có uy tín, có bạn hàng, năng lực kinh doanh đã được chứng minh. Hồ sơ của họ cũng chuẩn chỉnh, thậm chí cực kỳ chuyên nghiệp nên việc thu thập chứng từ, phân tích khá dễ dàng, và có niềm tin hơn", vị lãnh đạo này nói.

Tuy nhiên, thời gian qua không ít ngân hàng đã ôm những "quả đắng" vì các ông lớn. Những tập đoàn có thể kể tên dài dài, có cái đã vỡ nợ, có cái thì đang dặt dẹo mà chính các ngân hàng phải tham gia tái cơ cấu.

Có một đúc kết là cho vay dễ quá cũng là một cách giết DN. Thực tế đã chứng minh, quá dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khiến cho giới chủ DN mang tâm lý khác, ảo tưởng quá, nhiều khi chết vì những khoản chi tiêu, khoản đầu tư vô tội vạ, dàn trải để đến lúc động đâu cũng không đến nơi đến chốn, động đâu cũng dang dở mà tiền thì không thể có tiếp, rồi sản xuất cũng không ra được, thế là doanh nghiệp chết, doanh nghiệp vỡ.

Thực tế đã để lại một khối nợ lớn, những hậu quả mà nhiều NH phải đối mặt không biết xử lý ra sao với các ông lớn rỗng ruột, chây ì. Hoành trang tên tuổi nhưng đang bị nhận chìm trong đống nợ. Nếu không kiểm soát tốt, 'vết xe đổ' có thể sẽ lặp lại?

Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ thực sự đang cần được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn của các NH. Tuy nhiên, nhiều khi hai bên chưa gặp được nhau chung chỉ vì thiếu thông tin về nhau.

"Chúng tôi cần biết bản chất thực sự của DN. Bản chất của dòng tiền của DN. NH rất sợ các khoản cho vay lòng vòng, DN cố giấu thông tin nên NH cũng không biết được đích xác tình hình. Có những DN mà ngân hàng biết thông tin thì có thể cơ cấu, tái cấu trúc công ty nhưng chủ DN giấu, thậm chí giao dịch với cả xã hội đen bên ngoài, đến khi đổ bẻ thì thiệt hại cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng', lãnh đạo một NH cổ phần chia sẻ.

Chưa kể, thời gian vừa qua, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng diễn ra khá nhiều, khiến cho các ngân hàng bị tổn thất nên họ đề phòng, siết chặt việc cho vay, thẩm định nên dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng dây chuyền.

Điều quan trọng là khả năng thẩm định và kiểm soát tín dụng của mỗi ngân hàng trong mỗi khoản vay để không lặp lại vết xe đổ.

Nguyễn Thanh Ngọc (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.