Hiện các tổ chức tín dụng muốn thực hiện việc cho vay tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, theo một quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít ngân hàng cho biết họ mất khá nhiều thời gian, cũng như nguồn lực trong việc thực hiện việc đăng ký này.

Các tổ chức tín dụng phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với việc cho vay tiêu dùng. Ảnh: TL

Theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, kể từ ngày 15-10-2015, các tổ chức tín dụng (công ty tài chính, ngân hàng thương mại) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu nếu muốn ký các hợp đồng phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng).

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Nguyễn Phương Anh, thuộc Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT – Bộ Công Thương) cho biết bên lề hội thảo do Cục QLCT tổ chức vào cuối tuần trước, mặc dù Quyết định 35 có hiệu lực vào khoảng cuối năm 2015 nhưng do thực tế khó khăn của các ngân hàng nên cơ quản lý nhà nước đã đồng ý giãn thời gian thực hiện quy định này.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp có thể kéo dài vô thời hạn, mà chỉ khi nào doanh nghiệp đăng ký và được chấp nhận mẫu hợp đồng đăng ký thì mới được áp dụng cho vay theo hợp đồng đó, bà Phương Anh cho biết.

Theo đó, các tổ chức tín dụng hiện đang trình các hợp đồng mẫu đến Cục QLCT để cơ quan này xét duyệt, trong đó điều chỉnh cũng như loại bỏ những quy định trong hợp đồng tín dụng vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng theo bà Phương Anh, thực tế xem xét các hợp đồng cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng cho thấy có rất nhiều quy định trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng trái với quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó Cục QLCT yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh, hoặc loại bỏ ra khỏi hợp đồng.

Chẳng hạn như, trong nhiều hợp đồng cho vay tiêu dùng, nội dung được trình bày với cỡ chữ rất nhỏ, trong khi hợp đồng dài 20-30 trang, khiến người đi vay thường ngại đọc kỹ hợp đồng. Hay, trong hợp đồng có những quy định rất chung chung, không rõ ràng. Chẳng hạn như, trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay cho biết chỉ giải ngân vào hoặc trước ngày giải ngân, bên vay cung cấp được một số tài liệu và “các tài liệu cần thiết khác”, nên Cục QLCT yêu cầu doanh nghiệp liệt kê cụ thể những tài liệu cần thiết khác là gì,…

Tuy nhiên, một số ngân hàng cho biết họ gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định này.

Theo ông Trần Vũ, Giám đốc pháp chế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Quyết định 35 quy định ba loại dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, nhưng trên thực tế ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ hoạt động cho vay cá nhân của ngân hàng, trong đó có cả việc cho cá nhân vay mua nhà để đầu cơ chứ không phải vì mục đích tiêu dùng cuối.

Ngoài ra, số hợp đồng được Cục QLCT thông qua rất ít so với số hợp đồng được ngân hàng gửi đến cơ quan này. Trong đó, cơ quan nhà nước phụ trách về việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đòi hỏi ngân hàng phải sửa đổi bổ sung nhưng không nói rõ cần bổ sung những gì và tại sao phải bổ sung.

“Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi khổ sở vì tốn kém con người, chi phí để sửa đổi các quy định về hợp đồng khi ra nhiều sản phẩm cho vay khác nhau”, ông Vũ nói.

Ngoài ra, tại hội thảo, một số ngân hàng khác cũng phản ảnh về việc các hợp đồng đăng ký của họ bị trả về. Trong khi đó, giám đốc sản phẩm khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng TMCP khác cho TBKTSG Online biết hiện chưa đăng ký hợp đồng theo mẫu theo quy định mà vẫn đang nghe ngóng tình hình thực hiện của các ngân hàng khác.

Trước phản ánh của một số ngân hàng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục QLCT, cho biết chức năng của Cục QLCT là hỗ trợ doanh nghiệp sửa lại các hợp đồng cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chứ không đặt ra gánh nặng cho các tổ chức tín dụng. Việc xem xét và duyệt kéo dài vì các hợp đồng do doanh nghiệp đăng ký trái với quy định, không phù hợp. Trên thực tế, Cục QLCT cũng đã hỗ trợ trao đổi thông tin qua điện thoại cho các ngân hàng tại TPHCM để ngân hàng không mất thời gian đi lại.

Theo Cục QLCT, trong 6 tháng đầu năm nay, trong tổng số 881 hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, có 587 hồ sơ thuộc lĩnh vực phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng). Tuy nhiên, trong 587 hổ sơ này, chỉ có 97 hồ sơ được chấp nhận, 380 hồ sơ không được chấp nhận, 23 bị rút về, và 70 hồ sơ đang được xử lý.
T.Thu (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.