Nhiều ngân hàng trong nhóm II đang chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp với mình thực hiện chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) hoặc hợp nhất để cùng tăng trưởng trong tương lai.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, chủ trương của Ngân hàng là mong muốn tìm được đối tác phù hợp để hợp tác, hợp nhất cùng nhau phát triển. Theo ông Tuấn, tận dụng cơ hội thị trường cũng như chủ trương tái cấu trúc ngành ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm nay, OCB đã chủ động tìm kiếm đối tác trong thời gian qua và có một số đối tác đã tìm đến với ý muốn được hợp tác, hợp nhất cùng OCB phát triển. Tuy nhiên, với quy mô và năng lực hiện nay OCB muốn tìm được một đối tác phù hợp trước khi đưa ra quyết định hợp tác là không hề đơn giản.

“Việc hợp nhất sẽ mang lại nhiều cơ hội để phát triển. Chúng tôi muốn hợp tác, hợp nhất với những ngân hàng có quy mô, năng lực cũng như chiến lược phát triển phù hợp với định hướng của OCB. Vì thế, đối tác muốn hợp nhất, hợp tác với OCB phải là ngân hàng từ nhóm III trở lên”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc hợp nhất, hợp tác giữa hai ngân hàng với nhau, không có nghĩa là, một trong hai thương hiệu của ngân hàng sẽ phải xóa sổ trên thị trường, bởi vẫn có thể duy trì đồng thương hiệu để cùng nhau phát triển.

Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), ông Trần Phương Bình cũng cho hay, việc hợp tác, sáp nhập giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp cho các bên có được “sự cộng hưởng lẫn nhau” từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch…

Cùng với những lợi ích đó, việc hợp tác, sáp nhập còn giúp các bên tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, thời gian phát triển mạng lưới… Vì thế, hợp nhất, sáp nhập không chỉ là định hướng để làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, mà còn xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính các ngân hàng. Hiện đã có một số đơn vị đặt vấn đề mong muốn hợp nhất, sáp nhập vào DongA Bank để cùng phát triển và hiện nay, các đề nghị đó đang được HĐQT DongA Bank xem xét.

Trong khi đó, với Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank), trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội cổ đông tại website của Ngân hàng vào ngày 23/4 trong nội dung kế hoạch năm 2012 ở mục 2.7, HĐQT KienLongBank cho biết, HĐQT KienLongBank sẽ trình Đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT được phép chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, phân tích khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán của các đối tác, nếu thấy đối tác có những điểm phù hợp với tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức… với KienLong Bank và khi có điều kiện thích hợp, HĐQT sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến ĐHCĐ quyết định.

DongA Bank, OCB, KienLong Bank là những ngân hàng thuộc nhóm 2 theo quy định phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của NHNN tùy vào năng lực của từng nhà băng. Hiện vốn điều lệ của OCB ở mức 3.250 tỷ đồng và ông Tuấn cho biết, Ngân hàng có kế hoạch tăng lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Còn với DongA Bank, đang hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng và sẽ nâng lên 6.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Riêng KienLong Bank vốn điều lệ hiện nay là 3.000 tỷ đồng và theo tài liệu Đại hội cổ đông, năm nay không có kế hoạch tăng vốn.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.