Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đây là giải pháp dài hạn, giúp huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thông điệp trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại báo cáo trả lời chất vấn của Quốc hội mới đây. Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường vàng duy trì ổn định, sử dụng nguồn lực bằng vàng trong nước để tự cân đối. Đồng thời, nhà điều hành sẽ phối hợp hành động, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao lòng tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam.

"Đây là tiền đề quan trọng để triển khai giải pháp trong dài hạn là huy động nguồn lực vàng trong nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện cho phép", ông Bình cho biết.

Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chưa cần dùng ngoại tệ để can thiệp thị trường vàng. Ảnh: Anh Quân.

Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Trước đây, thị trường luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để từng bước thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã độc quyền nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng miếng, chỉ cấp phép cho các đơn vị có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, quy định người dân chỉ được mua bán vàng tại các điểm kinh doanh có phép. Hệ thống ngân hàng phải dừng huy động và cho vay bằng vàng, tất toán trạng thái để ngừng hoàn toàn quan hệ vay mượn chuyển sang mua bán. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, bán ra gần 70 tấn vàng miếng cho thị trường, hỗ trợ các ngân hàng tất toán trạng thái.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bình, từ năm 2011 đến nay, thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế hay việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được chấm dứt. "Sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể, cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền", ông Bình báo cáo Quốc hội.

Theo Thống đốc, hiện không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng và biến động của giá vàng trong nước không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối cũng như kinh tế vĩ mô. "Từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng", ông nêu.

Ngoài về thị trường vàng, Thống đốc cũng báo cáo Quốc hội về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém. Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống, số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm đi 14, trong đó 7 đơn vị được giảm thông qua hợp nhất, sáp nhập, giải thể. Ông Bình cho biết, dự kiến năm 2015 sẽ có những trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước. Qua đó, cuối 2015, theo Thống đốc sẽ có 1-2 ngân hàng thương mại quy mô và trình độ tương đương với các đối thủ trong khu vực.

Theo ông Bình, cũng nhờ cơ cấu lại mà 11 đơn vị được lọt vào Top 1.000 ngân của thế giới năm 2014 do tờ tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp I, các đơn vị Việt Nam chiếm đa số trong top 10. Năm 2014, Moody’s đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với BIDV và Vietinbank từ B3 lên B2; nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) lên một bậc, từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng được giữ nguyên triển vọng ở mức ổn định. 5 nhà băng khác bao gồm: Quân đội, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ thương Việt Nam, Á Châu và Việt Nam Thịnh Vượng cũng được tổ chức này nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.

Sở hữu chéo cũng là câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trong các cuộc họp gần đây. Báo cáo về tình hình này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, đến hết 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012). Bên cạnh đó, số sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.

Thanh Thanh Lam (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.