Đã chuẩn bị đóng cửa huy động vàng từ ngày 1-5, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ có Thông tư 12 cho lùi thời hạn thực hiện lệnh cấm thêm 7 tháng, các ngân hàng lại ồ ạt huy động vàng với đủ các loại lãi suất khác nhau...

Ai được lợi?

Dạo qua một số ngân hàng, hầu hết đã mở cửa trở lại hoạt động huy động vàng, lãi suất 2-4%/năm.

Cụ thể, Sacombank đã ngưng việc huy động vàng cả năm nay bất ngờ quay trở lại huy động vàng lại ở các kỳ hạn ngắn 1-6 tháng với mức lãi suất từ 2%, 2,5%, 3% và 3,5%/năm ứng với mỗi kỳ hạn.

Lý giải cho việc ngân hàng ngừng và ngân hàng trở lại huy động này, theo phụ trách thị trường của một doanh nghiệp vàng, rất có thể tại một số ngân hàng do chạy thời điểm 30-4 đã nâng lãi suất vàng lên 4,6%/năm và thu được một mớ nên giờ khi nghe gia hạn 7 tháng họ không cần thấy vội nữa.

Các ngân hàng SHB, Eximbank, ACB...việc huy động lại diễn ra bình thường… Nhưng cá biệt có một vài ngân hàng đã chuyển sang thu phí, như Ngân hàng Đông Á, chỉ nhận giữ hộ vàng có thu phí và khách hàng phải trả phí kiểm định nếu đem vàng từ bên ngoài vào gửi, dù mức phí chỉ mang tính tượng trưng từ 20 ngàn đồng-1 triệu đồng, tùy theo số lượng.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiênphong, kiêm Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc Doji, việc NHNN quyết định gia hạn thêm 7 tháng cho các ngân hàng huy động vàng, do rất nhiều ngân hàng trong đó có cả các NHTM đã tham gia vào bán vàng bình ổn cần một lượng vàng lớn để cân đối vàng đã bán hoặc cho vay ra trước đó.

Ngoài ra, còn một lượng vàng rất lớn trong dân và người có vàng cũng có nhu cầu gửi vàng tại một nơi an toàn đồng thời hưởng lợi tức. Và từ nay đến 25-11-2012 sẽ đủ để NHNN chuẩn bị cho ra đời Đề án sàn giao dịch vàng, huy động vàng.

Còn lãnh đạo một ngân hàng lớn có tham dự vào việc huy đông vàng thừa nhận, trong điều kiện kinh tế khó khăn, bên vay chưa thể trả được những khoản nợ vay vốn bằng vàng từ những năm trước nên tỷ trọng nợ khó đòi đang đẩy ngân hàng vào chỗ khó tất toán dư nợ vàng.

Thêm nữa, trong lúc đề án huy động vàng trong dân chưa được ban hành, NHNN chưa có giải pháp nào cụ thể thì việc gia hạn thời gian áp dụng thông tư 11 là cần thiết. Đây cũng là một nghiệp vụ cần thiết cho nhóm 5 ngân hàng thương mại tham gia bình ổn giá vàng, theo chỉ đạo của NHNN.

Lo ngại rủi ro

Theo ông Phú, tại lần gia hạn này, NHNN đã làm rất chặt khi cho phép huy động nhưng không được cho vay ra và không cho phép chuyển đổi sang VND (trước đây vẫn được chuyển đổi sang tiền đồng 30% số vàng huy động - PV).

Như vậy, số vàng huy động được sẽ chỉ để giúp các ngân hàng tất toán vàng đã huy động trước đó.

Trao đổi với Tiền Phong, một đại diện NHNN cho hay việc gia hạn cho ngân hàng huy động vàng thực sự cần thiết và không thể không làm.

Ngoài việc huy động vàng làm tài sản đảm bảo vay vốn bằng tiền lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, dư nợ vàng trong các ngân hàng hơn một năm qua chưa giảm nhiều.

Theo vị này, Thông tư 12 chính là giải pháp tình thế để NHNN tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các ngân hàng đã huy động vàng và có dư nợ lớn.

“Ngân hàng được tiếp tục phát hành chứng chỉ vàng ngắn hạn (có trả lãi suất như tiết kiệm) đến 25-11-2012 sẽ tạo thăng bằng với số vàng cho vay chưa thu hồi được nợ và vàng tồn quỹ. Điều này sẽ khiến thị trường vàng đi vào sự ổn định”- Ông này nói.

Trước e ngại ngân hàng vay vàng, sẽ chuyển đổi sang tiền đồng để tăng tính thanh khoản, vị đại diện NHNN trấn an sẽ không có chuyện với số vàng huy động được, các ngân hàng bán đi để lấy tiền đồng bù vào thanh khoản.

Bởi như thế sẽ mang lại rủi ro cao, nhất là trong trường hợp giá vàng biến động tăng mạnh, đến thời điểm phải tất toán trả vàng cho người gửi, thì với việc tăng giá, ngân hàng sẽ lỗ nặng do chênh lệch giá quá cao.

Theo tính toán, tại TPHCM, tổng dư nợ cho vay vàng hiện còn hơn 600.000 lượng chưa thể thu hồi. Trong đó, dư nợ cho vay vốn bằng vàng để đầu tư và kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao của các ngân hàng, kế đến là dư nợ cho vay vốn bằng vàng để sản xuất kinh doanh, cho vay chế tác nữ trang.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay vốn bằng vàng của từng ngân hàng tính đến hết tháng 2-2012 lần lượt: NamA Bank 18,21%, VietA Bank 11,62%, Southern Bank 5,4%, OCB 4,97%, Eximbank 4,13%, SCB 3,52%, ACB là 0,98%, DongA Bank 0,03%.

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.