Phải xây dựng các chế định để bảo vệ người dân khi góp vốn mua nhà trong tương lai, không để chủ đầu tư mang tiền dân góp đi làm việc khác.

Đó là ý kiến được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu ra trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 24-10 về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Theo đó, ông Lịch đề nghị phải xây dựng các chế định để bảo vệ người dân khi góp vốn mua nhà trong tương lai, không để chủ đầu tư mang tiền dân góp đi làm việc khác.

Lừa dân, lừa cả Nhà nước

Theo ĐB Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, thực tế có nhiều chủ đầu tư thu tiền của dân nhưng nhà lại không làm, rồi tiền thuế cũng không nộp cho Nhà nước. “Như thế là vừa lừa dân, vừa lừa Nhà nước, đại lừa rồi! Đối với hành vi này cần phải truy tố, xử lý hình sự chứ không thể xử lý hành chính, phạt tiền được. Có mạnh dạn như thế thì mới ngăn chặn được hành vi lừa đảo, chụp giật trong kinh doanh bất động sản” - ông Đương nói.

Tán thành với ý kiến trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho hay dự thảo luật hiện mới chỉ nói cấm chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn đúng mục đích cam kết nhưng nếu như hợp đồng cam kết không ghi thì sẽ vẫn có lỗ hổng cho người ta lợi dụng chiếm tiền của người dân. Ông Lịch đề nghị phải bổ sung các chế định để Nhà nước bảo vệ người dân. “Ví như khi góp vốn để mua nhà, thuê nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc tiền góp phải được ký gửi ở một ngân hàng do chủ đầu tư quy định ghi trong hợp đồng. Tiền ký gửi chỉ được giải ngân để thực hiện công trình mà người ta góp vốn, cấm sử dụng vào mục đích khác. Người góp vốn và đại diện góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng chủ đầu tư sử dụng minh bạch tiền của họ” - ông Lịch nói và cho hay ở các nước người góp vốn nhờ luật sư giám sát số tiền này rất chặt, nếu mang tiền đó đi làm việc khác thì sẽ xử lý tội hình sự ngay.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Băn khoăn thời điểm chuyển quyền sở hữu

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay bên cạnh ý kiến đồng tình với quy định trong dự thảo là thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở thì cũng có nhiều ý kiến không đồng tình.

Cụ thể các đại biểu cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm việc giao dịch nhà ở được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Quy định như trên mới phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai năm 2013.

“Cái xe còn phải đăng ký chính chủ huống hồ cái nhà. Nguyên tắc bao nhiêu đời nay như vậy, tại sao phải thay đổi. Qua thảo luận luật dân sự vấn đề sở hữu quan trọng, tại sao không để Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định về những giao dịch dân sự như thế này mà lại tách ra làm riêng, bất chấp Bộ luật Dân sự. Tôi đề nghị sở hữu bất động sản cần để Bộ luật Dân sự quy định, không thể bộ luật nào ra thì tách riêng làm của mình” - ông Lịch nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc chuyển quyền sở hữu như trong dự thảo là quá linh hoạt sẽ làm mất hết đi những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. “Có một nguyên tắc luật con không trái với luật lớn. Bộ luật Dân sự thiết chế nền tảng nguyên tắc của một quốc gia nên phải điều chỉnh các quy định trong Luật Nhà ở theo Bộ luật Dân sự” - ông Nghĩa kiến nghị.

Thành Văn (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.