Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất của 11 doanh nghiệp do vi phạm Luật Ðất đai, không phù hợp quy hoạch, cho thuê đất trái phép, bỏ hoang. Diện tích được đề nghị thu hồi lên tới hơn 810 ha.

Khu đất tại 583 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được cho thuê để kinh doanh siêu thị, câu lạc bộ.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam) là đơn vị quản lý bốn khu đất, gồm các địa điểm 449 A, 449 B phố Ngọc Lâm, 551 và 583 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), với tổng diện tích khoảng 207 nghìn m2. Cả bốn địa điểm trên, nhà máy không lập hồ sơ đăng ký sử dụng đất để được ký hợp đồng thuê đất, cấp sổ đỏ, nhưng đã ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại và sử dụng không đúng mục đích hàng chục nghìn m2.

Cụ thể, tại địa điểm 449A phố Ngọc Lâm, toàn bộ diện tích hơn 2.000 m2, mặt tiền khoảng 50 m, đơn vị đã cho thuê làm nơi kinh doanh quần áo, ăn uống, điện máy, cửa hàng mua bán, sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ, câu lạc bộ thể dục thể thao... Theo phản ánh của người dân, địa điểm này nhà máy đã cho các đơn vị, cá nhân thuê kinh doanh từ hơn mười năm trước. Trong đó, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã qua nhiều lần thay tên đổi chủ.

Khu nhà xưởng rộng hơn 1.400 m2 tại 583 đường Nguyễn Văn Cừ, mặt tiền gần 30m được đơn vị cho Công ty thương mại Ðại Cường thuê. Sau đó đơn vị này tự ý phá nhà cấp bốn, đầu tư xây dựng nhà hai tầng, rồi cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại. Hiện tầng một địa điểm này kinh doanh siêu thị, tầng hai kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ chức đám cưới.

Còn tại địa điểm chính của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, khu đất rộng hơn 203 nghìn m2 với gần 1.000 m mặt đường Ngọc Lâm, bắt đầu từ ngã tư bến xe Gia Lâm kéo dài đến 551 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụy) hiện là quán bia, quán mát-xa... Qua cổng bảo vệ, vào sâu bên trong nhà máy, chúng tôi chứng kiến nhiều xe máy, xe ô-tô tấp nập ra vào vận chuyển các loại hàng hóa như điện máy, điện tử, hàng gia dụng...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ cuối năm 2009, Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước TP Hà Nội đã có phương án sắp xếp đối với diện tích nhà, đất của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Phương án này đã được thành phố đồng ý vào đầu năm 2010. Cụ thể, địa điểm 449B phố Ngọc Lâm làm nhà lưu trú cho cán bộ, công nhân lái máy của các xí nghiệp đầu máy. Ðịa điểm 449A phố Ngọc Lâm đầu tư xây dựng văn phòng của Liên hiệp sức kéo đường sắt. Ðịa điểm 551 đường Nguyễn Văn Cừ sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Riêng khu đất 583 Nguyễn Văn Cừ, thành phố đồng ý xây dựng văn phòng Xí nghiệp dịch vụ đầu máy thuộc Liên hiệp sức kéo đường sắt, nhưng nếu sau sáu tháng chưa triển khai thực hiện thì sẽ thu hồi. Thành phố cũng yêu cầu nhà máy chấm dứt ngay việc cho thuê trái quy định tại bốn địa điểm trên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đơn vị này đã không thực hiện chỉ đạo của thành phố, vẫn tiếp tục cho các tổ chức, cá nhân thuê nhà xưởng, sân bãi sản xuất, kinh doanh trái quy định.

Cũng trên địa bàn quận Long Biên, năm 2005 UBND thành phố cho Công ty CP Cầu 5 Thăng Long thuê hơn 1.500 m2 đất tại địa điểm 309 đường Nguyễn Văn Cừ để xây dựng nhà điều hành sản xuất, kinh doanh. Nhưng hiện tại, có bảy hộ gia đình đã xây nhà ở trên diện tích này, trong đó có năm nhà cấp bốn và hai nhà kiên cố bốn tầng. Tổng diện tích vi phạm khoảng 400 m2. Gần địa điểm này, tại số nhà 390 đường Nguyễn Văn Cừ, Xí nghiệp Vật tư-cơ khí-thiết bị (Công ty CP Cầu 5 Thăng Long) tọa lạc trên khu đất rộng hơn 2.600 m2, là nơi chế tạo, sửa chữa các sản phẩm cơ khí, các thiết bị phục vụ thi công cầu, xây dựng dân dụng; cho thuê các phương tiện, thiết bị, máy móc vật tư phục vụ công trình; sửa chữa, trung đại tu các máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị thi công cầu, đường... Tuy nhiên, từ nhiều năm nay địa điểm này gần như không diễn ra các hoạt động kinh doanh, sản xuất. Hiện tại, trên khu đất này chỉ có một số thiết bị máy móc hoen gỉ. Xí nghiệp đang biến khu đất thành điểm trông giữ xe ô-tô và dịch vụ rửa xe, phần đất mặt đường cho thuê mở sa-lông ô-tô...

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện chín doanh nghiệp khác vi phạm Luật Ðất đai, cho thuê đất trái phép, bỏ hoang. Trong đó, Nhà máy Cơ khí công trình (199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) không đăng ký quyền sử dụng đất, không nộp tiền thuê đất khu đất rộng hơn 23.700 m2. Tổng Công ty vàng Agribank bỏ hoang 10 nghìn m2 tại cụm công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín); Công ty TNHH Apolootech bỏ hoang và không thực hiện nghĩa vụ tài chính hơn 13 nghìn m2 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); Công ty CP thiết bị giáo dục I không đăng ký quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong thời gian dài đối với khu đất rộng hơn 22.300 m2 tại 64 phố Phan Ðình Giót (quận Thanh Xuân)...

Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do các đơn vị được Nhà nước cho thuê đất đã cố tình trục lợi từ tài sản nhà nước, trong khi chính quyền, ngành chức năng buông lỏng công tác quản lý trong thời gian dài, chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm còn nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã lập hồ sơ, thu hồi các diện tích vi phạm; UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, xử lý và đề xuất xử lý vi phạm theo quy định; kiểm tra, giám sát các dự án đã được thành phố quyết định... Dư luận đang trông đợi các chỉ đạo nêu trên của thành phố, lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn.

Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.