Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ông Trần Đình Long đã bày tỏ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online những ý kiến e ngại của mình xung quanh vấn đề điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua.

Ông Trần Đình Long (giữa) trao đổi bên lề thảo luận tổ tại Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh:NL

TBKTSG Online: Thưa ông, tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24-10, ông có đề cập đến việc NHNN có trong tay ba công cụ điều hành chính sách tiền tệ cụ thể nhưng các công cụ đó đã không phát huy tác dụng. Cụ thể thế nào?

- Ông Trần Đình Long: NHNN nắm 3 công cụ điều hành tiền tệ qua kênh lãi suất gồm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu. Tái cấp vốn cho các ngân hàng thực chất là dùng vốn nhà nước cho ngân hàng vay, sử dụng theo mục đích, mục tiêu mà nhà nước đặt ra chứ không phải nhà nước kinh doanh qua NHNN; cho các ngân hàng vay để ngân hàng cho vay lại đẩy lãi suất lên cao. Do vậy mới cần NHNN điều hòa lãi suất giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng với người đi vay để kiềm chế lãi suất tín dụng cao.

Ở đây tôi chỉ nói đến các ngân hàng có sử dụng vốn nhà nước như ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển và các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Họ vay nhiều từ NHNN, không cho vay ra được thì hậu quả rất lớn. Nhưng suốt thời gian dài, lãi suất rất cao, doanh nghiệp muốn vay phải trả lãi lớn. Nay lãi suất đã hạ thì người ta cũng kiệt sức, hàng tồn, không vay.

Còn công cụ lãi suất cơ bản đã được luật định NHNN phải công bố thường xuyên lãi suất này nhưng hơn năm nay không công bố mà chỉ công bố trần lãi suất huy động. Kỷ cương không nghiêm hậu quả còn kéo đến giờ này. Hậu quả là bây giờ lãi suất đã kéo xuống dưới 15% nhưng đó là vận động, thỏa thuận giữa NHNN với các ngân hàng. Như vậy có thể nói rằng NHNN chưa sử dụng hết công cụ điều hành chính sách.

Ở một vài thời điểm, NHNN có mạnh tay xử lý các ngân hàng vượt trần lãi suất và yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng chính sách tiền tệ. Song ông có cho rằng các ngân hàng đã “nhờn thuốc”?

- Khi làm luật ngân hàng, Quốc hội đã rà soát rất kỹ và quyết định để lại lãi suất cơ bản. Nếu nói về ngân hàng, Quốc hội giao cho Chính phủ công cụ pháp lý và NHNN phải sử dụng công cụ đó chứ không phải thời điểm này muốn thì làm, thời điểm khác không muốn thì thôi. Nếu NHNN làm nghiêm, quy định tôi cho anh vay lãi suất tái cấp vốn chừng này, anh chỉ được cho vay lại chừng này thôi. Phải có cơ chế rõ ràng chứ không thể cấp vốn nhà nước cho họ đi kinh doanh lãi cao được.

Ở Việt Nam hiện nay mô hình ngân hàng trung ương độc lập chưa có. Việc dùng ngân sách qua hệ thống ngân hàng chính sách, ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như ông nói cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho nền kinh tế. Nhưng cũng như ông nói là không đạt được hiệu quả dùng vốn. Theo ông nó biểu hiện rõ nhất ở ngân hàng nào và làm sao Quốc hội kiểm soát được việc sử dụng tiền từ ngân sách qua các ngân hàng này?

- Đối với một số ngân hàng, ví dụ như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không những nhà nước cấp vốn mà còn cấp bù lãi suất khi các ngân hàng cho các đối tượng chính sách cho vay. Do vậy nhà nước phải sử dụng công cụ vật chất là tiền. Vấn đề làm sao chính sách đó đến đúng đối tượng và sử dụng có hiệu quả. Quốc hội đã đặt ra vấn đề đó nhiều năm nay và còn tiếp tục đặt câu hỏi: nguồn tài chính có đúng đối tượng hay không?

Ông có tin vào con số nợ xấu mà NHNN công bố tại các ngân hàng có vốn nhà nước?

-Tôi không có cơ sở để nói tôi không tin vì trách nhiệm công bố, giám sát của NHNN. Tuy nhiên số nợ xấu này có giải quyết được hay không? Nếu chính sách tốt thì giải quyết được. Nhưng sợ nhất nợ xấu có thể đảo ngược một lần nữa trong khi ngân hàng ứ vốn không cho vay mà vẫn phải lo trả nợ vay. Do vậy thời gian tới phải giải quyết từng vấn đề một cách rõ ràng nếu không vướng mắc chồng vướng mắc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ngọc Lan (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.