“Các yếu tố vĩ mô dần cải thiện đã khiến người mua nhà bắt đầu tìm hiểu thị trường để tìm kiếm cơ hội”. Đó là nhận định của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam.

Số lượng giao dịch thành công hiện vẫn chưa tăng rõ rệt

Tính chu kỳ của thị trường nhà ở

Theo ông Marc Townsend, việc mua nhà, cho dù là để đầu tư hay để ở, cũng đều là một quyết định quan trọng và đòi hỏi một nguồn vốn lớn. Do vậy, CBRE nhận thấy, hiện khách hàng vẫn đang cân nhắc mà chưa thực sự mua nhà.

“Chúng tôi kỳ vọng xu hướng tăng lượt khách hỏi mua này sẽ khiến số lượng giao dịch thành công tăng rõ nét vào thời điểm chuyển giao hai năm, nếu nền kinh tế tiếp tục tiến triển như hiện tại”, ông Marc Townsend nói. Hiện CBRE đã ghi nhận số lượng đơn đăng ký vay mua nhà tăng đột biến tại một ngân hàng khảo sát kể từ tháng 3/2012, cũng là thời điểm trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh từ mức 14% xuống 13%/năm.

Ông Marc Townsend cho rằng, giống như các mảng thị trường bất động sản khác, thị trường nhà ở cũng hoạt động theo chu kỳ. Trong chu kỳ gần nhất, khi lạm phát giảm từ mức đỉnh năm 2008 xuống đáy khoảng giữa năm 2009, cũng là lúc thị trường nhà ở bắt đầu phục hồi. Chu kỳ hiện tại có nhiều nét tương đồng, khi lạm phát đạt đỉnh vào giữa năm 2011 và lập đáy mới khoảng giữa năm 2012. Nếu như lịch sử lặp lại, thị trường nhà ở có thể phục hồi vào khoảng cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013.

Khó khăn ở nhiều phân khúc

Đi sâu vào phân tích, ông Marc Townsend đưa ra nhận xét, giá thuê văn phòng tại khu vực phía Tây của Hà Nội tiếp tục giảm mạnh. Áp lực nguồn cung khiến giá thuê giảm mạnh trong quý II/2012. Dù nguồn cầu có xu hướng tăng, thể hiện qua diện tích thực thuê mới tăng trong một vài quý vừa qua, vẫn tồn tại câu hỏi lớn là liệu nguồn cầu có thể theo kịp nguồn cung.

Để trả lời câu hỏi trên, ông Marc Townsend nhấn mạnh, thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục phân hóa trên hai khu vực chính: trung tâm và phía Tây. Giá thuê ở khu vực phía Tây sẽ tiếp tục giảm nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy, trong khi chủ đầu tư của các dự án ở trung tâm sẽ không cạnh tranh bằng giá thuê. Điều này sẽ khiến mức chênh lệch giá thuê giữa hai khu vực ngày càng nới rộng.

Đối với thị trường bán lẻ, ông Marc Townsend vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, phân khúc này còn nhiều tiềm năng dù Việt Nam không còn nằm trong Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới theo Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI).

Theo kết quả khảo sát của CBRE, trong vài tháng qua, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu với các mặt hàng như quần áo, trang sức, mỹ phẩm và điện máy. Điều này khiến một số hãng bán lẻ phải thu hẹp hoạt động. Trong khi 41 gian hàng quy mô vừa (diện tích 21 – 100 m2) đóng của, số lượng các gian hàng quy mô nhỏ (1 – 20 m2) và lớn (251 – 500 m2) lại tăng lên.

Từ những con số trên, ông Marc Townsend cho rằng, có lẽ còn quá sớm để cho rằng đây là sự khởi đầu của một xu hướng mới, trong đó các cửa hàng quy mô vừa sẽ bị thay thế bởi các cửa hàng quy mô nhỏ hoặc lớn. Một số nhà bán lẻ đang tận dụng điều kiện thị trường hiện nay để có được những diện tích thuê lớn với điều khoản thuê hấp dẫn, trong khi những nhà bán lẻ khác đang thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Về sự kiện Việt Nam không còn nằm trong Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới theo chỉ số GRDI, ông Marc Townsend đặt vấn đề, việc thị trường Việt Nam tụt hạng mạnh như vậy có thực sự xác đáng không, khi quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với các thị trường châu Á khác, trong khi dân số tăng trưởng mạnh và nhu cầu cải thiện đời sống cao.

“Chắc chắn những dự án mới hoặc sắp đi vào hoạt động như Hiway Supercenter, Melinh Plaza ở Hà Đông hay Indochina Plaza Hanoi tại Cầu Giấy sẽ chưa thể gây tiếng vang để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, những trung tâm thương mại này sẽ tạo dựng được vị trí chiến lược để đón đầu một chu kỳ mới khi thị trường bán lẻ sôi động trở lại”, ông Marc Townsend nhận xét.

Ở phân khúc thị trường khách sạn, ông Marc Townsend không mấy lạc quan khi đưa ra nhận xét sẽ ngày càng khó khăn và giá trị khách sạn trên đà giảm tiếp. Nguyên nhân của tình trạng là do thủ tục xin visa phức tạp, giá vé máy bay cao, ít chương trình xúc tiến du lịch và thiếu tính minh bạch trong các dịch vụ cung cấp.

“Kể từ năm 2009, ngân sách thuê phòng của khách du lịch có xu hướng giảm, giá thuê phòng bình quân cũng giảm theo. Nguồn cung khách sạn 3 – 5 sao tiếp tục tăng lên ở khu vực trung tâm và khu phía Tây Hà Nội. Tất cả những yếu tố trên đang góp phần làm giảm giá trị các khách sạn tại thời điểm hiện tại và trong thời gian tới”, ông Marc Townsend nói.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.