Làm tan khối băng bất động sản tức là làm cho các giao dịch bất động sản diễn ra một cách phổ biến và nhộn nhịp.

Chúng ta không thiếu cung, cũng không thiếu cầu, nhưng vấn đề là cung và cầu phải tìm được một tiếng nói chung hay một mức giá chấp nhận được đối với cả người bán hoặc cho thuê lẫn người mua hoặc thuê, cụ thể là nguồn cung chấp nhận giảm giá tới đâu cũng như nguồn cầu chấp nhận tăng giá tới chừng nào.

Trước hết cần lưu ý rằng "giao dịch bất động sản" mà chúng ta đang nói không phải sự mua đi bán lại trong nội bộ giới kinh doanh bất động sản, không phải là sự đổi chỗ giữa người có tiền với người có đất để rồi vẫn lại thốt ra tiếng kêu cứu "Làm tan băng!", bởi đấy là những giao dịch chẳng vì tiêu dùng cũng chẳng vì sản xuất, mà chỉ là sự lãng phí.

Cho nên chúng ta phải xét hai loại khách hàng: mua, thuê để ở, và mua, thuê để làm cơ sở sản xuất hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ (trừ dịch vụ bán lại, cho thuê bất động sản).

Loại khách hàng thứ nhất hầu hết là người lao động làm thuê, công chức bình thường, tức là những người mà nếu chưa có dự trữ trước đó thì nếu tình hình cứ trì trệ như hiện nay dù họ làm cả đời cũng chỉ đủ, thậm chí không đủ, tiền mua nhà. Đã có quá nhiều thống kê, phân tích chứng minh sự thật này rồi, tác giả bài viết sẽ không nhắc lại. Họ chỉ mạnh dạn mua khi thu nhập của họ tăng, tức là khi nền kinh tế quốc dân phát triển; tất nhiên phải đồng thời có điều kiện là giá nhà đất hoặc không tăng so với hiện nay hoặc nếu tăng thì mức tăng thấp hơn khá nhiều mức tăng thu nhập.

Trong tình hình hiện nay, đối với loại khách hàng này thì lựa chọn khả dĩ nhất là cho thuê hay cùng nhau "cầm cự", thỏa hiệp tạm thời qua giai đoạn khó khăn. Tất nhiên nhà cửa sẽ có hao mòn, nhưng một bên là sự hao mòn lãng phí do thiên nhiên của một công trình bỏ hoang, còn một bên là sự hao mòn đi cùng với sự sinh lợi của một công trình có "hơi người".

Các chủ bất động sản nên liên kết với các chủ doanh nghiệp, các quản lý đơn vị để tạo điều kiện cho người lao động làm thuê và công chức có thể trừ tiền thuê nhà vào lương thưởng, hoặc liên kết với các ngân hàng để họ có chính sách cho vay đặc biệt dành cho đối tượng thuê nhà, kiến nghị nhà nước điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân đối với người thuê nhà.

Không chỉ căn hộ giá rẻ, mà ngay cả căn hộ cao cấp và biệt thự cũng cần chủ trương cho thuê. Đây không đơn thuần là giải pháp "tạm thời" hay "cầm cự", mà còn có thể là một chiến lược lâu dài, đáp ứng nhu cầu thay đổi nơi ở và làm việc, hoặc nhiều khi chỉ là nhu cầu thay đổi "gu", tìm kiếm sự mới lạ của khách hàng mà thôi.

Loại khách hàng thứ hai có thể gọi vắn tắt là các doanh nhân, mà quyết định kinh doanh của họ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường pháp lý, hành chính và hiện trạng nền kinh tế nói chung.

Đối với loại khách hàng này, các chủ bất động sản cần chủ động "chia sẻ trách nhiệm", tức là có đường hướng thanh toán linh hoạt theo sức khỏe của doanh nghiệp. Cũng như hợp đồng mua bán cầu thủ thường kèm theo khoản trả thêm cho bên bán nếu phong độ, thành tích của cầu thủ ấy quá tốt.

Với sự ưu đãi về giá cả, phương thức thanh toán, có thể coi các chủ bất động sản như là đang góp vốn kinh doanh với các chủ doanh nghiệp khác. Và tất nhiên cần có sự góp sức của nhà nước bằng các công cụ thuế khóa, pháp lý, hành chính.

Tình trạng đóng băng bất động sản thực ra là sự đối đầu căng thẳng về lợi ích giữa một bên là các chủ bất động sản với một bên là những người có nhu cầu về nhà đất. Bên thứ nhất không muốn giảm giá, bên thứ hai không muốn trả thêm; mỗi bên đều có cái lý riêng của mình.

Nếu chỉ đơn giản là hạ giá như không ít lời kêu gọi gần đây thì vấn đề có lẽ chẳng đáng để tìm kiếm thêm giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn con đường hợp tác thay vì đối đầu để phá khối băng ấy, để bên nào cũng thấy rằng mình được lợi.

  • DN nhà đất mơ lật ngược thế cờ

    DN nhà đất mơ lật ngược thế cờ

    Kỳ vọng vào gói giải cứu, đa số cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã tăng trần nhiều phiên. Đây có thể cũng chỉ là một cơn sóng và ai cũng sợ mình là người cuối cùng cầm cục than hồng.

  • Bất động sản: Những kỳ vọng trong năm 2013

    Bất động sản: Những kỳ vọng trong năm 2013

    Năm 2012, một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản đã khép lại, thị trường đang hướng về năm mới với kỳ vọng sáng sủa hơn. <br/br>

Theo Đào Anh Dũng (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.