Ngày 15.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bàn về dự thảo Luật Đất đai. Vấn đề được quan tâm nhất vẫn là thu hồi đất, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Không hề có từ "thu hồi đất" nào trong Hiến pháp 1992. Luật Đất đai 1993 có quy định về thu hồi đất, nhưng không có thu hồi đất cho phát triển kinh tế; Luật Đất đai 2003 có thêm quy định thu hồi đất cho phát triển kinh tế. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn khẳng định như vậy. Cũng cần phải nhớ rằng, chính việc thu hồi đất đã gây ra gần 1 triệu vụ khiếu kiện trong 10 năm qua.

Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng) "thu hồi" có nghĩa là: "Thu về cái trước đó đã đưa ra, đã cấp phát hoặc bị mất vào tay người khác". Theo nghĩa này, đất mà Nhà nước thu hồi phải là đất Nhà nước sở hữu và đã cấp phát cho dân hoặc đã bị dân lấy mất.

Từ tháng 12.1980 không có đất thuộc sở hữu Nhà nước. Nên Nhà nước thu hồi đất không thuộc sở hữu của mình, nhất là đất ở và đất nông nghiệp mà người dân được thừa kế từ tổ tiên của họ, là sai về mặt pháp lý. Giả dụ như từ tháng 12.1980, Nhà nước đã quyết định quốc hữu hóa tất cả đất và đất do Nhà nước sở hữu, thì sau đó việc thu hồi đất là hợp pháp (tuy không ổn về đạo lý).

Chủ sở hữu phải là thực thể có thể bị kiện ra trước tòa (các cá nhân hay các pháp nhân như doanh nghiệp hay Nhà nước). Toàn dân không thể là một chủ sở hữu. Đánh tráo khái niệm "sở hữu nhà nước" bằng "sở hữu toàn dân" tạo ra vô vàn cơ hội cho sự tham nhũng, sự lạm dụng quyền lực. Như thê, chỉ có thừa nhận đất đai thuộc sở hữu nhà nước thì Nhà nước mới có thể thu hồi một cách hợp pháp.

Không thể thoát khỏi “mớ bòng bong” đất đai nếu không thay "sở hữu toàn dân" bằng "sở hữu nhà nước" và thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng. Như thế phải thừa nhận có đất thuộc sở hữu tư nhân (như đất ở và một phần đất nông nghiệp), tập thể, cộng đồng (như đất của một buôn làng) và đất thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước chỉ có thể thu hồi đất thuộc sở hữu của mình đã được cho thuê, đã được cấp cho người khác.

Nhà nước có quyền trưng dụng, trưng mua đất thuộc sở hữu tư nhân, tập thể và cộng đồng vì mục đích an ninh, quốc phòng hay công cộng. Trưng mua chứ không phải thu hồi! Không phân biệt rạch ròi như thế thì không bao giờ giải quyết được các vấn đề đất đai đang gây bức xúc trong nhân dân. Đáng tiếc, dự thảo Hiến pháp không những không thấy rõ vấn đề mà còn cố ý hợp hiến hóa việc "thu hồi đất", tại Điều 58 của dự thảo.

Thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề nhức nhối hiện nay, thậm chí các vấn đề lịch sử về đất đai (một cách không quá khó). Còn không, có thể dẫn đến bất ổn khôn lường. Mà đó là điều nên tránh và có thể tránh, nếu chúng ta thừa nhận 4 loại sở hữu đất nêu trên.

  • Khổ vì ở nơi “đắc địa”

    Khổ vì ở nơi “đắc địa”

    Căn cứ vào Quyết định được giao đất từ năm 1976, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (trường ĐHBK) bỗng dưng “đòi” lại khu đất của gần chục hộ dân đang ở mặt đường Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) giáp ranh giữa trường và sau trường Đại học Xây dựng khi cho rằng, người dân đã lấn chiếm của nhà trường. Điều đáng nói, các hộ dân đã sống ổn định từ năm 1992 và không có sự tranh chấp của bất kỳ ai sau khi họ khai hoang khu đất um tùm cỏ dại, ô nhiễm...

Dân Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.