Theo số liệu được công bố ngày 5/2, kinh tế Indonesia năm 2015 chỉ tăng trưởng 4,79%, mức thấp nhất trong 6 năm qua, do giá hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt, trong đó có Trung Quốc, giảm sút.
Công trường thi công cầu vượt tại thủ đô Jakarta. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đây là lần đầu tiên tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm xuống mức dưới 5% kể từ năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Mức tăng trưởng này kém xa so với mục tiêu 7% mà Chính phủ Indonesia đặt ra trước đó. Năm 2014, kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,02%.
Tuy nhiên, trong quý IV/2015, kinh tế Indonesia tăng ngoài dự đoán với mức tăng trưởng 5,04% so với cùng kỳ năm ngoái, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế này có thể khởi sắc vào năm 2016 trong bối cảnh Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong lúc nền kinh tế toàn cầu ảm đảm, đáng chú ý nhất là kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Indonesia như than đá và dầu cọ yếu kém tác động mạnh tới nguồn thu.
Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế, trong đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và cải tổ nội các.
Tháng Một vừa qua, Ngân hàng trung ương Indonesia đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 2/2015, cho thấy kinh tế có nguy cơ tiếp tục giảm tốc trong thời gian tới. Trong khi đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng 5,3% trong năm 2016.
Tổ chức Capital Economics nhận định triển vọng kinh tế Indonesia dường như cải thiện trong vài tháng qua, đồng thời cho rằng những cải cách kinh tế gần đây sẽ giúp thúc đẩy niềm tin, nhưng cần thời gian mới đem lại hiệu quả. Hãng này dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2016 và 2017./.
TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.