Mới đây Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 trong kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2013 và sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2014 cho đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2015 - Ảnh: Việt Tuấn.

Quan điểm của Bộ Xây dựng là khá “thoáng”, thể hiện trong các quy định khá cởi mở trong dự thảo nghị quyết này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp thẩm định văn bản này được Bộ Tư pháp tổ chức cuối tuần qua, với sự có mặt của đại diện Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ ngành khác, quan điểm chung là vẫn thận trọng trong vấn đề này.

Theo dự thảo do Bộ Xây dựng soạn, ngoài 5 đối tượng được phép mua nhà được quy định tại Nghị quyết số 19/2008/QH12, trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...

Do đó, dự thảo nghị quyết thay thế nêu đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam mở rộng bao gồm cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tại cuộc họp nói trên, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng đối tượng được mua nhà theo Dự thảo Nghị quyết là quá rộng.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết nên quy định thắt chặt hơn như người nước ngoài vào Việt Nam có thời hạn, chẳng hạn theo visa nhập cảnh vào Việt Nam phải từ 3 tháng trở lên mới có quyền mua nhà tại Việt Nam.

Về thời hạn được sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo nghị quyết nêu tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 70 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm được gia hạn.

Tuy nhiên, đại diện Văn phòng Chính phủ và một số bộ ngành cho rằng nên quy định là 50 năm để đảm bảo sự đồng bộ của các dự án, phù hợp với Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.

Hơn nữa, theo đại diện Bộ Ngoại giao, dự thảo nghị quyết cần phải bám sát tinh thần Nghị quyết 103/NQ-CP mới ban hành theo đó “cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án tại Việt Nam được mua chung cư, nhà ở tại Việt Nam phù hợp với thời hạn dự án tại Việt Nam”.

Một vấn đề khác là về số lượng nhà ở được sở hữu, dự thảo nghị quyết có nêu “người nước ngoài được sở hữu không hạn chế về số lượng nhà ở…”. Có ý kiến cho rằng nên cân nhắc lại điểm này vì đối tượng chủ yếu mua nhà trong thời gian qua là những người nước ngoài giàu có, nhằm tránh tình trạng một số cá nhân nước ngoài nhiều tiền lũng đoạn thị trường bất động sản, nên chăng quy định giới hạn về số lượng nhà được phép mua tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 trong kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2013 và sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2014 cho đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2015.

Anh Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.